Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Tại sao ông Hoàng Kiều được ưu ái?

Tại sao ông Hoàng Kiều được ưu ái?
Thứ bảy, 15/05/2010 06:08

Tập đoàn raas của Hoàng kiều chơi “rát” dư luận?(CATP) Từ khi ông Hoàng Kiều (việt kiều Mỹ) xuất hiện tại Việt Nam thường liên quan đến những cuộc thi người đẹp, nhìn thấy ông toàn đứng bên cạnh những hoa hậu xinh đẹp, nhiều người ngưỡng mộ vô cùng. Tuy nhiên, xâu chuỗi lại những sự kiện ông gây ra, không biết ông đóng góp được gì cho quê hương, nhưng có một điều ai cũng thấy là ông rất giỏi gây sự kiện bất ngờ để đánh bóng tên tuổi của mình.

GÂY “CHOÁNG” DƯ LUẬN BẰNG NGƯỜI ĐẸP

Người chủ đất mà ông Hoàng Kiều còn thiếu nợ

Cuối năm 2008, thành công của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2008 (lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam) nhanh chóng bị lu mờ khi ông Hoàng Kiều - Tổng giám đốc Tập đoàn RAAS - tuyên bố đang chuẩn bị các công việc cần thiết để tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới (HHTG) 2010 tại Nha Trang. Ông Hoàng Kiều khoe đã xong xuôi về mặt chủ trương, như việc ký kết bản ghi nhớ với bà Julia Morley - Chủ tịch Tổ chức Hoa hậu thế giới (Miss World), bỏ ra 10 triệu USD để giành quyền đăng cai cuộc thi, trình bày ý tưởng tổ chức cuộc thi với Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Niềm tin trong dư luận được củng cố thêm khi ông Lê Xuân Thân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - thông báo tỉnh đã thành lập một số tiểu ban gồm các sở ngành phụ trách các khâu để phối hợp với đơn vị tổ chức trong công tác chuẩn bị cuộc thi.

Nhà hàng Trung Lương nay là của ông Hoàng Kiều

Cùng với việc công bố “sắp” tổ chức cuộc thi mang tính toàn cầu trên, ông Hoàng Kiều cũng trưng ra thông tin về địa điểm tổ chức gây tò mò dư luận. Đó là “Resort & Spa ngàn sao dưới nước” tại Đầm Bấy (đảo Hòn Tre, Nha Trang), được mô tả sẽ là khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao trên tổng diện tích 395ha mặt đất, cộng với “sự khác biệt” là 174ha mặt nước biển. Khu này sẽ bao gồm hàng trăm biệt thự đủ kiểu dáng, thể hiện nét kiến trúc độc đáo của gần 200 quốc gia, khách sạn dưới đại dương, bãi tắm, nhà hàng nổi, sân khấu... hoành tráng. Ông còn đề nghị làm “con đường hoa” cho phố biển Nha Trang dài đến 15km. Người ta “choáng” khi thông tin được công bố ông Hoàng Kiều sẽ dành toàn bộ số tiền lãi thu được từ việc tổ chức cuộc thi HHTG 2010 để làm từ thiện tại Việt Nam.
Trước đó, tháng 7-2008, một buổi lễ ký kết ghi nhớ về việc tổ chức cuộc thi HHTG 2010 tại Việt Nam giữa ông Hoàng Kiều và bà Julia Morley - Chủ tịch Miss World - được tổ chức tại khách sạn sang trọng bậc nhất thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với việc ký kết, hàng loạt hình ảnh của doanh nhân Việt kiều này đứng bên cạnh bà J.Morley và nhiều người đẹp trên thế giới, nét mặt lúc nào cũng rạng rỡ, người ta nghĩ ông này có thế lực, quan hệ “mạnh” lắm mới làm được những việc “oai” như thế. Đâu phải ai muốn chụp ảnh với những hoa hậu thế giới cũng được. Sau đó, tháng 9-2008, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc Chính phủ đồng ý chủ trương cho Khánh Hòa đăng cai tổ chức cuộc thi HHTG 2010.

Tuy nhiên, RAAS đã thông báo tổ chức HHTG 2010 tại Việt Nam trước khi có ý kiến của Chính phủ. ông chủ họ Hoàng đã chơi nước cờ liều, đúng hơn là xem thường pháp luật. Khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng, ông Hoàng Kiều đã vội vàng công bố thông tin rầm rộ ngay khi ký bản ghi nhớ với bà J. Morley. Vì buổi ký kết giữa ông và bà J.Morley là ký với tư cách hai cá nhân, ông không đại diện cho cơ quan chức năng nào cả. Lúc đó, ông Hoàng Kiều chưa hề có đề án về cuộc thi trình lên Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xin cấp phép. Với động thái này, do ông Hoàng Kiều ngây ngô chăng? Hay vì lý do nào đó, ông buộc phải tổ chức những sự kiện rầm rộ như thế để quảng cáo cho mình? May cho ông Kiều là sau đó Chính phủ đã chấp thuận chủ trương. Nếu không, công chúng Việt Nam đã bị một phen mắc lỡm!

Trong khi mọi người chưa kịp vui trước việc ông Hoàng Kiều sẽ tổ chức thi HHTG tại khu du lịch mà ông đang xin đầu tư thì tháng 11-2008 ông lại gây bất ngờ mọi người lần nữa. Ông làm văn bản gửi tỉnh xin thôi xây dựng dự án “Resort & Spa ngàn sao dưới nước” và xin thôi luôn thực hiện dự án đường hoa nhưng vẫn “cam kết” tổ chức cuộc thi HHTG 2010 tại Khánh Hòa.

XÓM QUÊ “NỔI TIẾNG” VÌ HOA HẬU
Bẵng đi một thời gian dài, người ta không biết “nhà tổ chức” HHTG 2010 đang ở đâu thì cuối tháng 10-2009, người đàn ông này lại xuất hiện tại Tiền Giang. và một lần nữa ông gây “rát” dư luận: xin chuyển cuộc thi HHTG 2010 từ Khánh Hòa về Tiền Giang!

Có thể nói cả nước bất ngờ với thông tin Tiền Giang sẽ là địa điểm tổ chức cuộc thi mang tính toàn cầu này. Cơ sở để tổ chức lại là cù lao Thới Sơn vốn xưa nay còn nghèo, chân quê, giao thông cách trở, do Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang (Cty CPDLTG) thực hiện. Lúc này, những hình ảnh, băng-rôn, hình người đẹp năm châu được trương lên xung quanh cù lao chân quê này. Thông tin trên được đưa ra khiến không ít người dân ở đây mất ăn mất ngủ vì đất “sốt” theo hoa hậu. Đất tăng từng ngày, thậm chí buổi chiều khác buổi sáng. Từ chỗ chỉ vài trăm triệu một hécta đã tăng lên một, hai tỷ đồng/hécta. Xã Thới Sơn trở nên ồn ào hơn bao đời nay cũng vì được gắn cho cái “mác” cuộc thi hoa hậu.
Lần này, cùng với thông tin chuyển cuộc thi HHTG về Tiền Giang, người ta mới biết được “ông chủ mới” của Cty CPDLTG chính là ông Hoàng Kiều. Đồng thời, Cty CPDLTG cũng đã thu gom khoảng 17ha đất tại cù lao Thới Sơn để xây dựng khu du lịch sinh thái phục vụ cuộc thi HHTG 2010. Dự án hạ tầng phục vụ cuộc thi HHTG này cũng hoành tráng không kém so với cái bánh vẽ “ngàn sao dưới nước” tại Nha Trang, với quy mô 500 nhà nghỉ dạng bungalow mang đậm kiến trúc Nam bộ, nhà hàng gần 1.000 chỗ, sân khấu với sức chứa 5.000 chỗ, trung tâm mua sắm, triển lãm, nghỉ dưỡng...

Lần thứ hai, tập đoàn RAAS của ông Hoàng Kiều chơi “rát” dư luận cả nước cũng với hai chữ “hoa hậu”. Ảnh hưởng của HHTG đối với Việt Nam nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng chưa biết đến đâu, nhưng có một thực tế là cuộc sống nhiều hộ dân ở Thới Sơn đã xào xáo vì hoa hậu khi đua nhau bán đất. Đầu nậu buôn đất, cò đất chạy tới chạy lui nhòm ngó khắp vườn nhà dân, xì xào bàn tán, trả giá náo động cả cù lao vốn yên bình này. Đến lúc này, người ta đặt câu hỏi: Liệu có sự liên quan gì giữa những thông tin về cuộc thi HHTG với việc đầu cơ đất đai để trục lợi tại đây? Và mấy ai tin được trong vòng một năm ông Hoàng Kiều có thể xây dựng lên một cơ ngơi đồ sộ đủ tiêu chuẩn để tổ chức một cuộc thi tầm cỡ quốc tế, trong khi tại Tiền Giang chỉ có vài khách sạn lèo tèo, cơ sở hạ tầng không có gì đáng kể và cồn Thới Sơn cơ bản vẫn là một ngôi làng chân quê?
Việc công bố cuộc thi HHTG 2010 tại Tiền Giang, ông Hoàng Kiều cũng đi nước cờ na ná như với Khánh Hòa. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Kim Cúc - Bí thư tỉnh ủy Tiền Giang - cho biết: “ông Hoàng Kiều ba lần bảy lượt lên tỉnh xin phép được tổ chức thi hoa hậu, nhưng chúng tôi dứt khoát khước từ. Bởi chúng tôi biết rõ khả năng về cơ sở hạ tầng cũng như các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự của tỉnh chưa đủ sức đảm đương sự kiện lớn như thế. Thường vụ tỉnh ủy chưa có ý kiến thì Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lúc đó là ông Nguyễn Hữu Chí và ông Hoàng Kiều ký với nhau một văn bản với nội dung UBND tỉnh cho phép tổ chức cuộc thi này. Sau đó, UBND tỉnh mới xin ý kiến Thường vụ tỉnh ủy. Thường vụ tổ chức họp và thấy rằng cơ sở hạ tầng của Tiền Giang chưa thể đảm đương được nên không đồng ý. Sau đó, ông Hoàng Kiều liên tục gặp tôi để thuyết phục, nhưng tôi kiên quyết từ chối. Vậy mà sau đó ông Hoàng Kiều đã công bố với báo chí sẽ tổ chức cuộc thi này tại Tiền Giang”. Như vậy, việc công bố “sẽ” tổ chức cuộc thi HHTG tại Tiền Giang, ông Hoàng Kiều và một số cán bộ của Tiền Giang đã “cầm đèn chạy trước ôtô” khiến dư luận “ăn bánh vẽ” thêm lần nữa.

Vài tháng sau khi “cam kết” tổ chức cuộc thi HHTG 2010 tại đây, ông Việt kiều họ Hoàng tiếp tục gây bất ngờ khi đầu năm 2010 đã làm văn bản gửi cơ quan chức năng xin rút lại cuộc thi HHTG 2010 tại Khánh Hòa lẫn Tiền Giang. Tháng 2-2010, UBND tỉnh Khánh Hòa gửi công văn cho Chính phủ xin thôi tổ chức cuộc thi. Coi như “hình bóng” HHTG được ông Hoàng Kiều “thổi” rùm beng gần hai năm qua chấm dứt, gây thất vọng và phiền toái cho cơ quan chức năng và người dân. Đến lúc này người ta mới hiểu vì sao lúc mới công bố, ông Hoàng Kiều dám mạnh miệng tuyên bố sẽ dành toàn bộ lợi nhuận thu được từ cuộc thi HHTG để làm từ thiện tại Việt Nam. Vì ông biết những gì ông đang làm, đang tính toán, cứ tuyên bố thoải mái, có mất gì đâu!
Khi mọi người đã biết chuyện về việc ông Hoàng Kiều thu gom đất đai tại Tiền Giang cũng như đã mua đứt cổ phần tại Cty CP du lịch Tiền Giang thì dễ hiểu vì sao ông Việt kiều này đã “nhiệt tình” với cuộc thi HHTG 2010 đến thế.

SỞ HỮU CÔNG TY CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?
Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc sở hữu cổ phần của cá nhân, tổ chức nước ngoài đối với công ty cổ phần tại Việt Nam, luật sư Lê Thành Kính - Trưởng văn phòng luật sư Lê Nguyễn - cho biết: Quyết định 36/2003/QĐ-TTg ngày 11-3-2003 của Chính phủ quy định mức góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp Việt Nam (trong đó có công ty cổ phần) tối đa chỉ bằng 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp Việt Nam... Quyết định cũng nêu rõ “nếu có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng trị giá vượt 30% vốn điều lệ doanh nghiệp thì doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn hoặc thực hiện đấu giá theo quy định của pháp luật Việt Nam để chọn nhà đầu tư nước ngoài...”. Quyết định 88/2009/QĐ-TTg ngày 18-6-2009 quy định thoáng hơn, nhưng có hiệu lực từ ngày 15-8-2009. Như vậy, trước ngày 15-8-2009, việc cá nhân nước ngoài sở hữu quá 30% cổ phần của công ty tại Việt Nam là sai quy định. Cần phải xem xét lại”.
Qua điều tra của chúng tôi, cả ông Hoàng Kiều và Hoàng Samy Hùng (con ông Kiều) khi nhập cảnh vào Việt Nam đều mang hộ chiếu nước ngoài, quốc tịch Mỹ. Hai cha con ông Hoàng Kiều đang sở hữu 62,53% cổ phần tại Cty CPDLTG. Như vậy, việc sở hữu này có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không cần phải được cơ quan chức năng làm rõ trước dư luận.

SÔNG GIANH

Không có nhận xét nào: