Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Vì sao giải thưởng Nhà nước cũng bị từ chối?


Vì sao giải thưởng Nhà nước cũng bị từ chối?
Cập nhật lúc 05h53" , ngày 30/08/2011 -

(VnMedia) - Nhiều tên tuổi ghi những dấu ấn lớn lao cho nền văn học nghệ thuật nước nhà đã từ chối nhận giải thưởng hoặc nhất quyết không đi xin giải thưởng dù đủ tiêu chuẩn. Mùa xét giải thưởng, danh hiệu năm nay, vì thế mà nhiều nỗi buồn và sự nghi ngại.

Nghệ sỹ mập mờ quy chế, “nóng” chuyện quy đổi giải thưởng

Chuyện bùng nổ trong việc xét giải thưởng, danh hiệu năm nay, ngoài lề chuyện nghệ sỹ “tức nhau tiếng gáy”, chê bai nhau chưa xứng đáng, thì khá nhiều nghệ sỹ, bị loại hoặc kiện tụng nhau do chưa hiểu hết quy chế. Thêm nữa, nhiều người khá rầu lòng khi vấn đề quy đổi giải thưởng còn nhiều bất cập, dẫn đến thiệt thòi cho một số lĩnh vực.

Việc 5 nhạc sĩ ngoài Bắc đi kiện, mới đây được Hội Nhạc sĩ Việt Nam giải thích là do cái sai của họ gửi hồ sơ xét giải thưởng Nhà nước cho cụm tác phẩm. Nếu như các nhạc sĩ khác xin xét giải cho từng tác phẩm, thì 5 tác giả này dự giải ở hạng mục cụm tác phẩm và không đạt được quá 75% số phiếu của thành viên Hội đồng.

Việc bổ sung 5 tên này vào danh sách lần hai, là bởi Hội đồng cơ sở phải làm việc “xé rời” từng tác phẩm ra để chấm lại thì mới đạt số phiếu.

Mập mờ quy chế cũng dẫn tới việc kiến nghị khá ầm ĩ giữa hai nữ biên kịch với đạo diễn Nguyễn Thước. Vì sự rùm beng này, đạo diễn Nguyễn Thước bị “lỗi hẹn” với giải thưởng Nhà nước năm nay do không chịu xin sự đồng thuận của Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú.

Ảnh minh họa

Nhạc sĩ Phạm Tuyên được gấp rút hướng dẫn làm hồ sơ xin xét giải theo đúng quy chế

Câu chuyện về nhạc sĩ Phạm Tuyên được đề nghị xét đặc cách cũng rất nóng trên báo chí thời gian gần đây. Mặc dù đánh giá cao thành tựu âm nhạc cách mạng cũng như sức ảnh hưởng của những ca khúc do vị nhạc sĩ này sáng tác, nhưng một thời gian dài, Hội Nhạc sĩ Việt Nam lại thờ ơ và đứng ngoài lề với việc phải có động thái tích cực để xét đặc cách cho vị nhạc sĩ “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Sự việc rất ầm ĩ và tốn nhiều giấy mực báo chí khiến Bộ phải vào cuộc và có đề xuất Hội Nhạc sĩ kịp thời trước khi danh sách trao giải được chốt.

Ở thời điểm hiện tại, dù Hội Nhạc sĩ đã kịp sửa sai, được Bộ đề xuất hướng dẫn nhạc sĩ Phạm Tuyên làm lại hồ sơ xin xét duyệt, nhưng ít nhiều, sự việc đã gây nên sự bất bình của dư luận và sự thất vọng của giới nghệ sĩ vào giải thưởng.

Việc quy đổi giải thưởng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, cũng làm nhiều nghệ sỹ, nhất là các nghệ sỹ đứng sau việc trình diễn khá bức xúc. NSƯT Lê Trọng Nghĩa chia sẻ “Với những người chỉ đạo nghệ thuật, mọi việc nan giải hơn vì xét theo tiêu chuẩn quy đổi hiện nay, tác phẩm đoạt Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, người chỉ đạo nghệ thuật chỉ được tính 1/3 Huy chương Vàng. Như vậy, để đủ hai Huy chương Vàng tiêu chuẩn, người chỉ đạo nghệ thuật phải có ít nhất 6 chương trình đoạt giải”.

Cũng theo vị NSƯT này, thì trong một dàn nhạc Giao hưởng, những bè trưởng, bè phó, rất khó để với tới được huy chương, vì thế nên dù có cống hiến vài chục năm cũng đành ngậm ngùi đứng ngoài vòng xét danh hiệu.

Có hay không việc mất lòng tin của giới nghệ sĩ, nhà văn?

Chuyện mất lòng tin của giới nghệ sĩ, ở mỗi lĩnh vực, lại được thể hiện khác nhau. Giới nhạc sĩ mất lòng tin vào Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở chưa đủ tầm để lọt nhiều tên tuổi xứng đáng; mất lòng tin vì sự thờ ơ của Hội nhạc sĩ khi bỏ ngoài lề những người có tâm sức cống hiến cho âm nhạc như Phạm Tuyên, Hoàng Hà. Nhiều nhạc sĩ, nhạc công mất lòng tin vì cáchquy đổi giải thưởng nhiều thiệt thòi mà không tính năm cống hiến.

Câu chuyện mùa “giải” năm nay cũng mới ầm ĩ thêm khi liên tiếp các tên tuổi nhà văn lớn lần lượt xin rút khỏi giải thưởng. Dường như với họ, lòng tin về giải thưởng không có nhiều và một mực quan điểm, chỉ cần tác phẩm sống trong lòng công chúng là đủ, không màng danh hiệu hay giải thưởng.

Ảnh minh họa

Nhà văn Sơn Tùng – người vừa được vinh danh với danh hiệu Anh hùng lao động gây chấn động giới nhà văn khi xin rút tên ra khỏi danh sách xét giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực văn học

Nhà văn Sơn Tùng - người vừa được vinh danh với danh hiệu Anh hùng lao động gây chấn động giới nhà văn khi xin rút tên ra khỏi danh sách xét giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực văn học. Theo sự lý giải của người nhà nhà văn này, thì mục đích ban đầu làm hồ sơ để xin xét giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, với cách giải thích nào đó khiến gia đình tưởng không có giải thưởng Hồ Chí Minh nên gửi hồ sơ sang xét giải thưởng Nhà nước. Bất ngờ vì sự không rõ ràng trong thông tin về giải thưởng cũng như cách hành xử khó hiểu của Hội nhà văn khiến gia đình nhà văn Sơn Tùng quyết định rút khỏi đề cử Giải thưởng Nhà nước.

Tiếp sau nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Nguyên Ngọc cũng làm đơn xin rút khỏi giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng không đưa ra lời giải thích cụ thể. Chỉ biết, nhà văn “Rừng xà nu” này trước đó đã từng từ chối nhận giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên và vắng mặt trong cả Lễ trao Huân chương Độc lập dành cho ông.

Cũng nóng thời gian vừa qua là việc nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm xin rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh. Lý do chính mà nhà thơ này đưa ra là vì ông tự thấy tác phẩm Cõi lặng mới chỉ xuất bản được ba năm, chưa đủ thời gian năm năm để tham gia Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Bất ngờ hơn, khi cách đây ít hôm, gia đình nhà văn Sơn Nam lên tiếng xin rút tên ông ra khỏi đề cử giải thưởng Nhà nước với lý do để người quá cố được yên nghỉ. Theo lời tâm sự của đại diện gia đình, thì lúc còn sống, nhà văn “Hương rừng cà mau” này vốn không phải là người màng danh hiệu hay giải thưởng.

Dù vẫn biết, thời gian và sự ghi nhận của công chúng là thước đo giá trị nhất cho sức sống của tác phẩm, nhưng sự vinh danh của Nhà nước vẫn có một giá trị ghi nhận nhất định trong sự nghiệp sáng tác của một nghệ sĩ.

Việc một loạt những tên tuổi lớn xin rút tên ra khỏi danh sách đề cử xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh khiến dư luận nghi ngại, liệu có phải, những giải thưởng này đang dần mất lòng tin trong giới nghệ sĩ, nhà văn (?!)


Thu Phạm
Giải thưởng Nhà nước sẽ trao sau ngày 15/9
Thêm 3 nhà văn, nhà thơ xin rút khỏi Giải thưởng
Hội Nhạc sỹ có làm hồ sơ đặc cách cho NS Phạm Tuyên?
Hội nhà văn lên tiếng vụ nhà văn Sơn Tùng
Hội Nhạc sĩ VN đề nghị xét đặc cách cho nhạc sĩ Phạm Tuyên
Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Vẫn còn "nợ" nhạc sĩ Phạm Tuyên!
Nhà văn Sơn Tùng xin rút khỏi Giải thưởng Nhà nước!
Vẫn "lùm xùm" chuyện xét Giải thưởng Nhà nước
Chuyện "tiền hậu bất nhất" của Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Bộ VHTT&DL chính thức lên tiếng về vụ xét danh hiệu, giải thưởng

Không có nhận xét nào: