Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Vĩnh biệt tác giả 'Đường lên Tây Bắc '

Vĩnh biệt tác giả 'Đường lên Tây Bắc ' 07:07 | 05/09/2011

Vĩnh biệt tác giả 'Đường lên Tây Bắc '

TP - Nhạc sĩ Văn An, tác giả những bài hát nổi tiếng như 'Đường lên Tây Bắc', 'Nhịp cầu nối những bờ vui' (thơ Phan Văn Từ), 'Ta ra trận hôm nay', 'Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương' (thơ Tạ Hữu Yên), 'Đôi dép Bác Hồ' (thơ Tạ Hữu Yên), 'Thái Văn A đứng đó' (thơ Cảnh Trà)… đã qua đời tối 31-8, hưởng thọ 83 tuổi. Ông từng nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt đầu, năm 2001.


Nhạc sĩ Văn An. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhạc sĩ Văn An. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

17 tuổi, Văn An theo tiếng gọi toàn quốc kháng chiến, gia nhập quân đội, trực tiếp cầm súng cùng đồng đội tham gia chiến dịch Biên giới, Việt Bắc… Với năng khiếu âm nhạc, khả năng chơi đàn guitare và accordeon, chiến sĩ trẻ Văn An trở thành chiến sĩ văn nghệ của đoàn Văn công Việt Bắc.

Trên những nẻo đường phục vụ bộ đội và dân bản, với những cảm xúc mạnh mẽ, ông đã sáng tác những ca khúc cho đoàn biểu diễn. Đường lên Tây Bắc là ca khúc thành công đầu tiên, viết lúc 20 tuổi, lan truyền khắp các nẻo đường đánh giặc với giai điệu và lời ca tuyệt đẹp: Đường lên Tây Bắc xa xôi/ Nếp nhà sàn thấp thoáng/ Đằng xa tiếng hát dân quân/ Tiếng reo lưng đồi nương... Từ đó, ông trở thành nhạc sĩ quân đội cho đến trọn đời.

Ca khúc của Văn An thể hiện vẻ đẹp tâm hồn chiến sĩ, một vẻ đẹp nội tâm chân thành, nồng nàn yêu nước. Đó là khát vọng thống nhất Bắc Nam trong Cánh diều miền Bắc, Rẽ sóng ra khơi. Đó là mệnh lệnh của trái tim: “Đâu Đảng cần, chúng ta có mặt” trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Trong cuộc chiến chống lại những đợt ném bom của Mỹ vào miền Bắc, âm nhạc của ông có: Cồn Cỏ vang bài ca anh hùng, Thái Văn A đứng đó, Ta ra trận hôm nay, Tiếng nói Hà Nội, Quân đội ta quân đội anh hùng… Mùa xuân 1975, niềm vui của ông chan hòa cùng niềm vui chung, khó tả, xúc động đến rưng rưng: Cầm tay nhau cùng đi, ta lên đường hạnh phúc…

Cũng với tình cảm mạnh mẽ đó, ông cho ra đời bài hát Lá cờ Đảng gửi gắm cả niềm tin yêu của người lính dưới màu cờ “hồng tươi sắc thắm máu hy sinh”. Theo ông tâm sự, đây là bài hát không viết theo một cuộc vận động nào, mà nó vang lên từ trái tim của một người trọn đời tự nguyện đi theo Đảng: Đất nước bốn ngàn năm ôi tự hào biết mấy/ Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái/ Còn gì đẹp hơn, còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm/ Đảng ta đó hân hoan một niềm tin/ Trong đêm đen lá cờ của Đảng rạng soi đường đấu tranh/ Thắm máu đào, cờ Đảng hồng tươi sắc thắm máu hy sinh…

Tình yêu Đảng và Bác Hồ của Văn An chân thành cảm động, với trái tim hồn nhiên và tự nguyện. Từ Đôi dép Bác Hồ đến Ấm tình quê Bác là một chặng đường dài, nhiều thăng trầm biến động, nhưng ông luôn giữ ngọn lửa ấm áp, yêu tin: Một khoảng trời xanh trong, có làn mây trắng như bông/ Trên đường về thăm quê Bác mà có biết bao xúc động trong lòng…

Lễ viếng nhạc sĩ Văn An bắt đầu từ 10 giờ 15 phút đến 11h45 phút sáng 5-9 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, phố Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Không lạ khi những ca khúc kháng chiến, cách mạng của Văn An luôn trữ tình, ấm áp. Bởi tiếp xúc với ông, người ta nhận được một tấm lòng sẻ chia đầy yêu mến. Trong thời gian công tác khá lâu ở Phát thanh Văn nghệ Quân đội, ông gần gũi với những tác giả và ca sĩ từ các đơn vị cơ sở. Ông nâng niu khả năng sáng tác và biểu diễn của những người “chiến sĩ văn nghệ” để giới thiệu ca khúc và giọng hát của họ lên làn sóng phát thanh, tạo điều kiện và hướng cho họ phát triển tài năng vốn có.

Có một thời gian ông nhận làm thêm công việc biên tập âm nhạc cho tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, phát hiện được nhiều tác phẩm âm nhạc do chiến sĩ sáng tác và cho đăng trên tạp chí. Đó cũng là cách ghi nhận và khích lệ cho những nhạc sĩ tương lai. Nhiều người sau này trở thành nhạc sĩ, ca sĩ, đều không quên sự quan tâm chăm sóc thế hệ trẻ của ông.

Một nhạc sĩ tài hoa, luôn dạt dào tin yêu, xúc động trước số phận dân tộc và tâm hồn người lính. Ông đã sáng tác như viết lịch sử của đời mình và của dân tộc. Những bài ca của ông vẫn đồng hành với người lính, người yêu nhạc hôm nay và mai sau.

Nguyễn Trọng Tạo

Không có nhận xét nào: