Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Phấn đấu trở thành trường đại học tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu khoa học

Phấn đấu trở thành trường đại học tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu khoa học

Xem tin gốc

Nhân dân - 3 ngày trước 51 lượt xem

Phan dau tro thanh truong dai hoc tien phong trong dao tao va nghien cuu khoa hoc

Sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Facebook Twitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này

Các thế hệ sinh viên, học viên Trường đại học Bách Khoa Hà Nội đã và đang nỗ lực cống hiến trong mọi lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, quốc phòng - an ninh. Nhiều người trong số họ đã trở thành các cán bộ khoa học đầu ngành, các nhà quản lý cao cấp, các doanh nhân thành đạt, Chiến sĩ thi đua, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Không ít người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Buổi đầu thành lập trường, cơ sở vật chất nghèo nàn với 16 phòng học, sáu phòng thí nghiệm và một xưởng thực hành nhỏ bé trên mảnh đất hoang sơ của Đông Dương học xá; với 50 thầy giáo, cô giáo, đến nay Trường ĐHBK Hà Nội đã có được một cơ ngơi bề thế, khang trang, đồng bộ và hiện đại bậc nhất trong các trường đại học Việt Nam với hơn 300 phòng học và giảng đường. Tổng diện tích dành cho khu vực đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và quản lý hơn 180 nghìn m2. Ký túc xá có đủ chỗ cho 4.200 sinh viên đã được nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Hệ thống nhà thi đấu đa năng, bể bơi, sân ten-nit, sân vận động với hơn 25 nghìn m2, hơn 30 xưởng thực tập, các trung tâm thực hành, gần 200 phòng thí nghiệm, trong đó có 11 phòng thí nghiệm tập trung và trọng điểm với trang thiết bị mới, đồng bộ và hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho công tác ĐT, NCKH và chuyển giao công nghệ (CGCN) của nhà trường. Thư viện điện tử hiện đại mang tên cố giáo sư Tạ Quang Bửu có khả năng phục vụ đồng thời vài nghìn bạn đọc. Hàng chục nghìn đầu sách và tạp chí được tăng cường cho thư viện tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tra cứu và học tập của giảng viên và sinh viên nhà trường.

Từ bốn liên khoa trong buổi đầu thành lập, Trường ĐHBK Hà Nội ngày nay đã trở thành một trường đại học trọng điểm của đất nước với 15 học viện, bảy khoa, ba viện nghiên cứu, mười trung tâm NCKH. Quy mô đào tạo của trường hiện nay là hơn 40 nghìn sinh viên đại học, cao học và nghiên cứu sinh. Mô hình tổ chức của nhà trường đang từng bước hoàn thiện theo hướng hội nhập với các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Trường có một đội ngũ hùng hậu gồm gần 2.200 cán bộ đang làm việc tại trường, trong đó hơn 1.300 cán bộ giảng dạy (CBGD), hơn 540 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học (trong đó gần 190 GS và PGS), hơn 820 thạc sĩ. Ngoài ra còn hơn 300 cán bộ trẻ đang học tập dài hạn (ThS, TS) tại các nước phát triển. Đội ngũ cán bộ đã được trẻ hóa một cách đáng kể, tuổi đời bình quân của đội ngũ cán bộ hiện nay là 38 tuổi thay vì 51 tuổi vào năm 2000.

Thực hiện định hướng chiến lược xây dựng Trường ĐHBK Hà Nội thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo mô hình hội nhập quốc tế, bao gồm các trường đại học đơn ngành thành viên, nhà trường đang gấp rút hoàn thành cơ cấu tổ chức theo mô hình này vào cuối năm 2011, đồng thời tiếp tục tích cực triển khai đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý của các học viện, các viện nghiên cứu để có thể từng bước phân cấp tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo tinh thần của Đề án Tự chủ và tự chịu trách nhiệm được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho trường được thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2011- 2015.

Từ 14 chuyên ngành đào tạo kỹ thuật hệ đại học buổi ban đầu, đến nay Trường ĐHBK Hà Nội đã trở thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực với 12 chương trình đào tạo bậc cao đẳng, 98 chương trình đào tạo bậc cử nhân và kỹ sư, 58 chương trình đào tạo thạc sĩ và 58 chương trình đào tạo tiến sĩ, trong đó có các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như kinh tế, ngoại ngữ, sư phạm kỹ thuật.

Ngoài các chương trình đào tạo truyền thống, trường cũng đang triển khai các chương trình đào tạo đặc biệt, chất lượng cao: Chương trình kỹ sư tài năng; Chương trình kỹ sư chất lượng cao hợp tác với các trường ĐH hàng đầu của Pháp; Chương trình tiên tiến hợp tác với các trường đại học uy tín của Mỹ; Chương trình công nghệ thông tin Việt - Nhật đào tạo các kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông theo chuẩn kỹ năng của Nhật Bản. Ngoài mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ KHKT có năng lực chuyên môn đạt chuẩn quốc tế, việc áp dụng các chương trình đào tạo đặc biệt - chất lượng cao còn là một quá trình thử nghiệm phục vụ cho quá trình đổi mới đào tạo của nhà trường.

Với mục tiêu phát triển Trường ĐHBK Hà Nội thành trường đại học nghiên cứu, nhà trường luôn coi NCKH là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng đào tạo, là thước đo trình độ và chất lượng của một trường đại học đẳng cấp. Hoạt động quản lý NCKH và CGCN của nhà trường đã được đổi mới một cách cơ bản. Nhiều chương trình nghiên cứu trung hạn (5 năm) mang tính liên ngành của trường, được xây dựng thông qua các nhóm nghiên cứu mạnh và các Hội đồng khoa học liên ngành. Các đề tài tham gia tuyển chọn các cấp được chuẩn bị chu đáo, có ưu thế trong cạnh tranh; nâng cao tính sẵn sàng và năng động trong việc khai thác kinh phí cho nghiên cứu từ các bộ, ngành, địa phương, từ các quan hệ song phương, đa phương trong hợp tác quốc tế.

Nhà trường luôn chú trọng tìm kiếm và triển khai các giải pháp nhằm động viên và tạo điều kiện để mọi CBGD, nhất là cán bộ trẻ có cơ hội tham gia NCKH thông qua việc thành lập các nhóm nghiên cứu và chương trình nghiên cứu. Các đề tài cao học và nghiên cứu sinh ngày càng gắn kết hơn với các định hướng phát triển KHCN của nhà trường và các đề tài NCKH các cấp. Số bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế luôn tăng về chất lượng và số lượng; các hội thảo khoa học thường xuyên được tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế. Phong trào sinh viên NCKH không ngừng được mở rộng và nâng cao chất lượng. Nhiều công trình NCKH của sinh viên có tính học thuật và thực tiễn cao, đạt nhiều giải thưởng cấp bộ, VIFOTEC, giải thưởng trong các cuộc thi Trí tuệ Việt Nam, Huy chương vàng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO),... Nhà trường đã thành lập hệ thống doanh nghiệp và tổ chức theo mô hình tập đoàn, bao gồm năm công ty cổ phần (Trường nắm tối thiểu 51% cổ phần), một công ty liên kết và một trường cao đẳng nghề với quy mô đào tạo 5.000 sinh viên. Hệ thống doanh nghiệp của trường đã góp phần thúc đẩy hoạt động CGCN, cung cấp dịch vụ KHKT, sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần hình thành một mô hình tổ chức doanh nghiệp nhà trường, từng bước tiếp cận và hội nhập với các trường đại học nghiên cứu trên thế giới.

Cùng với sự gia tăng tiềm lực ĐT và NCKH, trong thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế của Trường ĐHBK Hà Nội đã có những chuyển biến cơ bản, chú trọng phát triển hợp tác NCKH và ĐT trình độ cao. Mối quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế chuyển dần từ hợp tác trợ giúp sang hợp tác hai bên cùng có lợi. Trên tinh thần đó, một số đơn vị nghiên cứu quốc tế hỗn hợp, một mô hình hợp tác quốc tế trong NCKH và đào tạo trình độ cao duy nhất tồn tại trong hệ thống các trường đại học Việt Nam đã được thành lập và hoạt động rất hiệu quả tại trường. Các đơn vị này cùng với các phòng thí nghiệm đầu tư tập trung với phương tiện kỹ thuật hiện đại và đội ngũ cán bộ giỏi, đã và đang trở thành nơi thu hút các nhà khoa học quốc tế đến hợp tác NCKH và ĐT.

Hiện nay, mạng lưới hợp tác quốc tế của trường đã phát triển khắp các châu lục: Đã thiết lập quan hệ hợp tác về ĐT, NCKH và CGCN với hơn 250 trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, tập đoàn công nghiệp,... thuộc 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trường ĐHBK Hà Nội hiện cũng đang là thành viên của sáu tổ chức và mạng lưới các trường đại học quốc tế. Hằng năm, nhà trường đón hàng trăm đoàn khách quốc tế đến làm việc, đồng thời cử hàng nghìn lượt cán bộ ra nước ngoài công tác và học tập; hàng chục dự án hợp tác đào tạo, NCKH chung đã và đang được triển khai; nhiều phòng thí nghiệm phục vụ cho đào tạo và NCKH được xây dựng, hiện đại hóa thông qua hợp tác quốc tế.

Trong 55 năm qua, Trường ĐHBK Hà Nội luôn giữ vững ngọn cờ là một trong những đơn vị tiêu biểu của ngành GDĐT, ngày càng được dư luận xã hội công nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Là trường đầu tiên trong hệ thống các trường đại học Việt Nam được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (2000), Huân chương Hồ Chí Minh (2001), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2006), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2001), Huân chương Lao động hạng Nhì (2006), ba tập thể, hai cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng Lao động, 22 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và 188 nhà giáo được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thế hệ giảng viên, sinh viên và học viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội hôm nay kiên định với mục tiêu, sẵn sàng với thử thách, tiên phong trong đổi mới giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ..., viết tiếp những trang vàng vào lịch sử truyền thống của nhà trường, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

GS NGUYỄN TRỌNG GIẢNG Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội

Không có nhận xét nào: