vtc.vn - 8 giờ trước
Tin liên quan |
Trong diễn văn bế mạc Đại lễ, Đại đức Thích Minh Tiến, ủy viên Thư ký hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, qua 7 ngày triển khai thực hiện, nhiều chương trình văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc đã được phục dựng thành công tốt đẹp, lưu đọng lại nhiều dấu ấn sâu lắng trong mỗi người dân đất Việt ở trong nước hay đang ở nước ngoài, dù trực tiếp tham gia, hay theo dõi qua truyền hình, báo chí, phát thanh hay qua lời kể lại của mỗi người được chứng kiến. Những mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của chương trình đề ra đến nay đã thành tựu viên mãn.
Hàng ngàn phật tử tham gia buổi lễ bế mạc Đại Lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. |
Đai đức cũng cho biết, trong quá trình tổ chức Đại lễ, Ban tổ chức đã tiến hành Tổ chức lễ rước Long vị Quốc vương nhà Lý và lịch đại Tổ sư, cung nghênh Ngọc Xá lợi Phật vào ngày 27/7 thành công tốt đẹp. Lễ khai mạc của Đại lễ đã có trên 3.000 vị Giáo phẩm Tăng ni trong cả nước và hàng vạn Phật tử từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng tham gia. Tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc luôn được Tăng ni, Phật tử xiển dương để duy trì đạo mạch và tôn vinh văn hóa dân tộc ngày càng lớn mạnh.
Trong suốt quá trình diễn ra Đại Lễ, giới Tăng ni, Phật tử cả nước đã trang nghiêm tâm thành tổ chức các khóa lễ cầu an và cầu siêu, với mong muốn cho thế giới được hòa bình, quốc gia được thịnh vượng, người người có cuộc sống an lạc, cầu cho tất cả chân linh hương hồn đã khuất vì chiến tranh, đói nghèo mà phải chết trong suốt những năm tháng đã qua.
Các vị thượng tọa chức sắc trao bài vị chiến binh tử trận cho các Đại sứ của các nước có binh sĩ tham gia tham chiến tại Việt Nam. |
Đặc biệt, với truyền thống hiếu hòa giải thoát và mong muốn tất cả các hương hồn cũng được an nghỉ và đoàn tụ trong mỗi gia đình, quốc gia nơi mình sinh ra. Vì vậy mà Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lập bài vị cầu nguyện cho các chiến binh và những người tham gia phục vụ chiến tranh của một số nước đã tham chiến tại Việt Nam trước đây và trong lễ bế mạc, các vị thượng tọa chức sắc đã thay mặt Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam trao bài vị chiến binh tử trận cho Đại sứ của các nước: Hàn Quốc; Thái Lan; Nga; Pháp; Newzealand; Nhật; Australia; Philippin.
Những chương trình trong Đại lễ như: Cầu truyền hình Quốc tế (Hà Nội – Viêng Chăn – Pari – Unesco) và đêm hội hoa đăng; các buổi Hội thảo với chủ đề “Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”; các hoạt động văn hóa nghệ thuật Phật giáo; các hoạt động Hoằng pháp và từ thiện xã hội đều diễn ra thành công tốt đẹp.
Hình ảnh trong đêm hội hoa đăng được tổ chức trong Đại lễ. |
Phật tử Nguyễn Thi Minh, trú tại phố Hàng Hành, Hoàn Kiếm, Hà Nội xúc động cho biết: “Tôi thực sự lấy làm tự hào và xúc động khi được tham gia Đại lễ này. Đây không chỉ là một hoạt động để cho phật tử chúng tôi thể hiện lòng thành kính với đức Phật, mà còn thể hiện tinh thần tự hào dân tộc với đất nước, đặc biệt là đối với Thăng Long Hà Nội nghìn năm tuổi của chúng ta.”
Dương Lãng Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét