Cấp viện tài trợ cho Việt Nam 8 tỷ USD
Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) vừa kết thúc tại Hà Nội với nhóm tài trợ quốc tế cam kết trợ giúp hơn 8 tỷ đôla.
Hơn 6 tỷ đôla là cho vay, khoảng 1,4 tỷ là viện trợ, Ngân hàng Thế giới, đồng tổ chức Hội nghị cho hay trong một bản thông cáo.
Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam gồm các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, và các nước công nghiệp phát triển.
Hội nghị năm nay họp trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vừa thoát khỏi trì trệ nhưng đang gặp thách thức về lạm phát và tỷ giá.
Phục hồi kinh tế
Năm nào cũng có một hội nghị vào cuối năm, thời điểm để các nước cấp viện cam kết cho Việt Nam.
Hội nghị năm nay có chủ đề “Phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.”
Chúng tôi cam kết sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ và giám sát chặt chẽ việc triển khai các chương trình và dự án.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc
Đồng chủ tịch Hội nghị là Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc và giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa.
Về phía các thể chế đa phương, Ngân hàng Thế giới cam kết 2,5 tỷ, Ngân hàng Phát triển Á châu 1,5 tỷ.
Về viện trợ song phương Nhật Bản là nước đi đầu trong cam kết, với 1,64 tỷ.
Theo sau là EU với cam kết viện trợ 1,08 tỷ. Đại diện của Hoa Kỳ cũng có mặt trong phiên họp kéo dài hai ngày.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Michael Michalak loan báo khoản viện trợ 138 triệu đôla chủ yếu dành cho giáo dục và y tế.
Ông nói: "Rất cần có sự tăng cường nhận thức, hiểu biết và tham gia của các cơ quan nhà nước, khu vực tư nhân và xã hội dân sự trong dự án 30 thông qua các hoạt động đối ngoại và sự tham gia tích cực của các bên liên quan chủ chốt. Sự lãnh đạo mạnh mẽ và cam kết chính trị sẽ trở thành yếu tố quan trọng hơn nữa trong suốt quá trình đánh giá và đơn giản hóa các thủ tục.”
Thảo luận về thách thức trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhắc đến “sáu giải pháp”, đi đầu là “ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát, giải quyết những vấn đề hạn chế của Việt Nam về hạ tầng và nguồn nhân lực.”
Trong cuộc chiến chống tham nhũng, để đạt được thành công cần có sự nỗ lực của tất cả mọi người dân
Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman
Về tham nhũng, người đứng đầu chính phủ Việt Nam coi chống tham nhũng như “một trong những công việc khẩn cấp của Chính phủ.”
Trước kiến nghị của đại sứ Thụy Điển và Hoa Kỳ cần xem lại các hạn chế về internet và giới hạn quyền nghiên cứu của tư nhân thời gian gần đây, nhóm giải pháp của ông Dũng có nhắc đến ý, “tăng cường dân chủ và một xã hội cởi mở đảm bảo những quyền căn bản của tất cả người dân theo đúng hiến pháp và luật pháp của Việt Nam.”
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói: “Chúng tôi cam kết sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ và giám sát chặt chẽ việc triển khai các chương trình và dự án của các đối tác phát triển.”
Đại diện cho các đối tác phát triển, Đại sứ Thụy Điển ông Rolf Bergman nhấn mạnh: “Trong cuộc chiến chống tham nhũng, để đạt được thành công cần có sự nỗ lực của tất cả mọi người dân. Chỉ có những luật lệ và quy định tốt là chưa đủ, muốn thành công cần phải có sự kết hợp tham gia của Đảng, Chính phủ, xã hội dân sự, các cơ quan báo chí và từng người dân trong xã hội.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét