Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Cập nhật lúc : 8:57 AM, 13/12/2009
Tạm biệt Thủ đô, men theo quốc lộ 6 dẫn đến tỉnh miền núi Hòa Bình. Qua dốc Cun, đèo Thung Nhuối quanh co, hiểm trở, huyện lỵ Mai Châu hiện ra với thung lũng ngút ngàn màu xanh đồng ruộng. Thấp thoáng những nếp nhà nằm nép mình trong dãy núi xa xa phủ kín mây mù.

Đó là bản Lác, nơi sinh sống của đồng bào người Thái. Đến bản, nhiều du khách không khỏi bất ngờ bởi đường nhựa trải từ đầu bản đến từng nếp nhà sàn làm bằng gỗ. Nhà sàn được dát bằng tre, rộng rãi, cao ráo, sạch sẽ và giữ được nét kiến trúc cổ. Bên trong, chăn, đệm, gối được gấp gọn gàng.

“Khách sạn” gỗ

“Khách sạn” gỗ có giá 30.000 đồng một người một đêm. Ảnh: Trung Anh.

Nhiều người thích dừng chân ở nhà sàn số 1, nơi được nhiều du khách “phong tặng” danh hiệu “khách sạn 4 sao”. Chủ “hotel 4 sao” Lò Thái Thu, 24 tuổi, cho biết, toàn bản hiện có 25 nhà sàn, khách sạn được đánh số từ 1 đến 25. Du lịch đem lại nguồn thu chính cho bà con nơi đây.

Trong “hotel” đánh số, sát cạnh sàn ngủ - nghỉ là sàn ngồi để ăn cơm, uống trà. Chỉ với 30.000 đồng/người, du khách thoải mái ngả lưng qua đêm trên khoảng sàn hơn 2 m2. Lối sinh hoạt dân dã, ấm cúng phần nào gắn kết những du khách lần đầu gặp gỡ, không ít người trong số đó sau này thành tri kỷ.

Ghé thăm bản Lác, nhiều du khách không thể bỏ qua những món ăn đặc sản nơi này. Mâm cơm cho 6 khách gồm một đĩa thịt gà bản, ba xiên thịt rừng nướng, nếp Mai Châu, bát canh rau muống cùng chai rượu Mai Hạ được chủ nhà sắp xếp bắt mắt. Khi vào bữa, chủ nhà không quên mời khách một ly cảm ơn. Vì là cơm do chủ nhà “đãi” khách, nên giá một mâm cơm khá “mềm”: 200.000 đồng.

Sau bữa tối, du khách được đắm mình trong men rượu cần và chương trình ca nhạc đặc sắc ngay trên nhà sàn do thanh niên nam nữ trong bản biểu diễn. Khách có thể tham gia nhảy múa cùng dân bản.

Chỉ một ngày đêm tại bản Lác với gió lùa, sương giăng và vách núi dựng âm u từng đi vào thơ Quang Dũng cũng đủ để du khách thấy cảm, thấy mến người dân bản hiền lành, thật thà, làm du lịch giỏi trên nền tảng văn hóa đậm chất bản địa.

Dân bản “phất”

Theo Trưởng bản Hà Công Tím, bản Lác có tuổi đời trên 700 năm, là nơi sinh sống của người dân tộc Thái với 5 dòng họ Hà, Lò, Vì, Mác và Lộc. Trước đây, dân bản chỉ sống dựa vào nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm. Năm 1993, UBND huyện Mai Châu chính thức đề nghị tỉnh Hòa Bình cho phép khách du lịch nghỉ qua đêm trong bản. Cũng từ đó, bản Lác trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Ông Tím khẳng định: bản Lác “phất” lên từ năm 1997. Ngay từ hồi ấy, bản đã bốn mùa nhộn nhịp khách ghé thăm. Cứ người nọ mách người kia, du khách tìm đến bản Lác mỗi ngày một đông. Có những hôm lượng du khách nhiều hơn số dân bản. Nhà trong bản không đủ cho khách trọ.

Dân bản bảo nhau sửa nhà đón khách, chế biến món ăn ngon, thành lập đội văn nghệ phục vụ khách tham quan. Từ chỗ chỉ dệt khăn, áo thổ cẩm cho mình, phụ nữ trong bản bắt đầu làm nhiều đồ lưu niệm bán cho khách như: khăn quàng cổ, váy xòe Thái, vải treo tường, dây đeo tay, túi xách, ví...

Không chịu thua kém chị em, đàn ông Thái Đen cũng vào cuộc. Họ chế tác cung, nỏ, mõ trâu, chiêng, tù và sừng trâu, phách gỗ tre... Cứ thế, tư duy làm kinh tế qua dịch vụ du lịch ở bản Lác ngày càng sắc nét, loại hình homestay (nghỉ tại nhà dân) ngày càng được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Trung Anh

Không có nhận xét nào: