Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Thiếu kiềm chế gây tổn thương nhau

Thiếu kiềm chế gây tổn thương nhau

Nhiều cặp vợ chồng khi tức giận thường nói những lời thiếu tôn trọng nhau, tạo nên vết rạn nứt khó hàn gắn

“Nếu em còn xưng “tôi” thì đừng nói chuyện nữa”. Nam vẫn nín nhịn trước cơn giận đùng đùng của vợ. Số là anh đi nhậu về khuya mà điện thoại lại hết pin, Duyên ở nhà lồng lộn lên vì không liên lạc được với chồng. Khi thấy anh vừa bước chân về nhà, Duyên đã xối xả “phun châu, nhả ngọc” mà không cho anh giải thích một lời.


Thiếu kiềm chế, khiến tình cảm vợ chồng không những rạn nứt mà còn ảnh hưởng không tốt đến con cái (ảnh chỉ mang tính chất minh họa theo internet)

Nổi cơn tam bành

Câu trước, câu sau Duyên đều xưng “tôi” với anh: “Anh đi với con nào mà phải tắt máy?”, “Tôi vất vả lo hết mọi việc để anh đi ăn nhậu chơi bời vậy hả?”. Vẻ dịu dàng, nết na của Duyên không còn chút nào trong cơn tức giận. Lúc đầu, Nam không nói, nhưng thấy chồng không phản hồi, Duyên lại càng nói lớn và tới tấp tuôn ra những câu nói khó nghe. Khi nghe Nam nói: “Em đừng xưng tôi nữa”, Duyên giật mình, nhưng không thể không tiếp tục khi cơn điên trong người chưa hạ nhiệt.


Thậm chí, có lần đúng kỷ niệm ngày cưới, Duyên lại đang mang thai được 3 tháng nhưng Nam vô tâm không nhớ, mải say sưa với bạn bè đến khuya mới về nhà. Đứng sẵn ở phòng khách, Duyên vừa khóc vừa chửi: “Sao tao lại lấy một người chồng như mày, đến kỷ niệm ngày cưới còn không nhớ!”. Thấy vợ buông lời “tao”, “mày”, Nam đang có chút men trong người càng thêm “bốc hỏa”, hai người mặc sức sỉ vả nhau khiến hàng xóm một phen mất ngủ.


Còn Hạnh, mỗi lần giận chồng là sẵn sàng ném hết mọi vật dụng trong nhà, từ điều khiển ti vi đến điện thoại đắt tiền. Có lần, nghi ngờ chồng bồ bịch, đang cầm 2 chiếc dép trên tay, Hạnh ném luôn vào người chồng rồi khóc lóc vật vã thảm thiết. Tuấn thấy vợ nổi nóng vô cớ nhưng sợ “đổ thêm dầu vào lửa” nên đứng nép vào tường. Được thể, Hạnh lại gào lên và mặc sức mạt sát chồng. Cả hộp đồ trang điểm đắt tiền cũng lần lượt theo cơn giận của Hạnh tới tấp bay vào người Tuấn.


Đúng là “giận mất khôn”, khi bình tĩnh lại Duyên và Hạnh đều cảm thấy xấu hổ với những lời nói, hành động của mình. Đặc biệt, những nàng “sư tử” đều dặn lòng không bao giờ để tái phạm lần thứ hai. Tuy nhiên, đến khi xảy ra mâu thuẫn thì bao nhiêu giận dữ lại được trút ra bằng lời nói khó nghe và những hành động kỳ quặc khiến các ông chồng khó tưởng tượng nổi.

Cùng “hoàn cảnh” tương tự, Bình và Mai đều giỏi ngoại ngữ nên khi cãi nhau, họ lại dùng tiếng nước ngoài để nói với nhau. Xưng là “you” và “me”, họ cứ tự nhiên văng ra những từ tục tĩu. Sau đó là chiến tranh lạnh kéo dài vì dường như cả hai đều không thể chấp nhận được sự nóng giận quá đà của nhau.


Cần hỗ trợ, chia sẻ


“Chén bát trong tủ còn khua”, do đó việc vợ chồng xảy ra xung đột, cãi vã là chuyện khó tránh. Tuy nhiên, việc chửi bới nhau quá đà trong lúc nóng giận có thể dẫn tới những vết nứt khó hàn gắn trong mối quan hệ vợ chồng. Người trong cuộc sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng, khó có thể yêu thương nhau trở lại khi những lời nói, hành động không đẹp luôn ám ảnh họ.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên cãi vã thiếu kiềm chế sẽ dẫn tới thói quen xấu trong gia đình, ảnh hưởng đến con cái nếu chuyện cãi vã xảy ra trước mặt chúng.


Cũng có những cặp vợ chồng khi có mâu thuẫn xảy ra lại chọn biện pháp im lặng. Chị Linh, trong một lần vào phòng làm việc của chồng, thấy điện thoại của chồng “tít tít”, bèn mở điện thoại ra xem thì thấy tin nhắn: “Em chờ mãi mà anh chưa tới hả”. Giật mình, chị xem lại toàn bộ tin nhắn trong điện thoại của chồng, lúc này chị mới phát hiện chồng mình đang hẹn hò với một cô đồng nghiệp.

Đáng ra chị phải chạy tới để vạch mặt ông chồng trăng hoa nhưng chị lại cầm điện thoại lặng lẽ đi vào phòng. Chị nằm xuống suy nghĩ phải làm gì trước sự thật phũ phàng này. Mấy lần định nhấc máy gọi điện thoại cho bạn bè để chia sẻ nhưng sợ bạn bè nghĩ không hay về gia đình mình nên chị lại đặt xuống. Suốt một tuần lễ, chị không ăn không ngủ và rơi vào tuyệt vọng.


Theo thạc sĩ tâm lý Linh Trang, các cặp vợ chồng không nên ôm “cục tức” vào người vì nếu không xả được giận, người trong cuộc có thể bị mất ngủ, stress, dằn vặt... dẫn tới khủng hoảng.

Do vậy, khi có mâu thuẫn, bức xúc, thành viên trong gia đình nên tìm một người tin cậy để chia sẻ và giúp đỡ. Khi được lắng nghe và tư vấn đúng, mâu thuẫn vợ chồng có thể được giải quyết ổn thỏa mà không xảy ra chuyện cãi vã quá đà hoặc rơi vào chiến tranh lạnh hay không lối thoát như những trường hợp đã nêu.

Giải pháp khi nổi nóng

Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, Trường Cán bộ TPHCM, khi xảy ra mâu thuẫn, các cặp vợ chồng nên biết kiềm chế để không đẩy sự việc đi quá xa. Ví dụ, vợ chồng có thể thỏa thuận, nếu người này nổi nóng thì người kia tạm tránh đi cho đến khi nguôi giận hoặc thỏa thuận dù trong hoàn cảnh nào cũng không được nói những lời khó nghe, gây tổn thương nhau. Việc thỏa thuận kia sẽ như một lời nhắc nhở, giúp người trong cuộc bình tĩnh hơn và khi cơn giận tạm qua đi, họ có thể ngồi lại để cùng nói về mâu thuẫn đã xảy ra.

Gia Lương

Không có nhận xét nào: