'Không thể bưng bít thông tin'
Vụ án 'mua dâm nữ sinh' ở tỉnh Hà Giang đang thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là sau khi có các tình tiết mới liên quan các quan chức hàng đầu của tỉnh này.
Hồi đầu tháng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản đề nghị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô vì "thiếu gương mẫu trong sinh hoạt".
Ông Nguyễn Trường Tô hồi tháng Hai đã bị cáo buộc mua dâm vị thành niên thông qua môi giới của cựu hiệu trưởng Sầm Đức Xương.
Khi kết luận của Ủy ban Kiểm tra TW được đưa ra, các báo trong nước đồng loạt đưa tin.
Thế nhưng theo luật sư đại diện cho một trong các nữ sinh, đã có chỉ thị từ người đứng đầu Ban Tuyên giáo TW Tô Huy Rứa yêu cầu báo chí ngừng đưa tin về vụ này.
Luật sư Trần Đình Triển với tư cách Trưởng Văn phòng Luật Vì dân đã ký văn bản ngày 11/07/2010 gửi ông Tô Huy Rứa yêu cầu trả lời về việc mà ông gọi là "vi phạm điều lệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước" này; đồng thời nói sẽ khởi kiện ông Rứa "nếu sự việc trên là có thật".
Đài BBC đã nói chuyện với luật sư Triển về văn bản này:
LS Trần Đình Triển: Thông tin chúng tôi có được là lệnh đó đã được đưa ra tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo TW vào thứ Ba tuần trước, và trong một tuần nay, không có báo chí nào nhắc đến vụ này nữa cả.
Tôi cho rằng những vụ án như thế này phải được giải quyết tận gốc, triệt để, phải quét bằng sạch thì mới có hiệu quả.
Thêm nữa, ông Tô Huy Rứa là người Triết học Mác Lê-nin, chuyên chính vô sản, thì khi giải quyết mọi việc cũng phải chuyên chính, giải quyết đến cùng.
Khi sự việc đang lên, đang được giải quyết tốt đẹp, có sự đóng góp của Đảng là quyết định của Ủy ban Kiểm tra TW, thì tự nhiên ông Tô Huy Rứa lại dội cả khối nước đá vào khí thế đó.
Chúng ta không thể làm như vậy được. Trước dân, trước Đảng thì phải thành thật, không thể chỉ nói hay mà làm ngược. Tôi cũng là đảng viên, và với tư cách người đảng viên vì dân, tôi sẽ đấu tranh đến cùng.
BBC: Thưa ông đã nhận được phản hồi nào từ ông Tô Huy Rứa chưa ạ?
LS Trần Đình Triển: Cả bản thân tôi và văn phòng chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ ông Tô Huy Rứa hay văn phòng Ban Tuyên giáo TW.
BBC: Nếu quả thật các báo ngừng tiếng về vụ này thì công việc bảo vệ công lý chắc sẽ gặp khó khăn, thưa luật sư?
LS Trần Đình Triển: Nói lại quá trình, thì vụ này xảy ra từ hồi khai giảng năm ngoái 2009. Khi đó báo chí cũng rộ lên đưa tin được vài ba số, ba-bốn ngày.
Khi đó báo chí cũng chỉ nói về sự bê tha của một thầy hiệu trưởng thôi, chứ chưa biết được các chi tiết khác phía sau vụ án. Thế nhưng cũng ngay lập tức họ đã bị ngăn cấm.
Chính cái ngăn cấm đó đã dẫn tới việc báo chí không vào cuộc được, luật sư cũng bị khống chế tiếp cận vụ án.
Cuối cùng là các nạn nhân chỉ được nhận bản cung do công an làm và ký vào, tới khi có cáo trạng thì Viện Kiểm sát vào buộc các cháu đọc thuộc cáo trạng và ra tòa nói theo cáo trạng.
Bưng bít thông tin khiến cơ quan tố tụng gây ra hàng loạt sai phạm, họ nói dối với Đảng, với pháp luật, coi thường pháp luật.
Tới phiên phúc thẩm, tôi là luật sư, cùng với các cơ quan ngôn luận đã đưa ra ánh sáng được vụ án này.
Đã thành tính quy luật: báo chí là quyền lực xã hội. Nếu phản ánh trung thực khách quan sự thật, thì đó là điều tích cực. Còn nếu bóp méo sự thật, hay che dấu nó thì đó là điều xấu.
BBC: Văn bản của Văn phòng Luật Vì dân hết sức mạnh mẽ, và đã viết sẽ khởi kiện ông Tô Huy Rứa. Ông sẽ thực hiện theo quy trình nào ạ?
LS Trần Đình Triển: Theo luật, ông Tô Huy Rứa phải trả lời văn bản của chúng tôi. Nếu ông không trả lời, thì chúng tôi cũng có quyền khởi kiện. Đã nói thì phải làm.
Chúng tôi có các chứng cứ cho thấy ông Rứa đã chỉ thị báo chí như vậy.
Tất nhiên tôi biết, trong hoàn cảnh này, làm công việc trên không dễ.
Có những người đồng tình, nhưng cũng có người nói tôi bất bình thường. Họ bảo đáng ra tôi nên im lặng.
Thế nhưng tôi nghĩ rằng nếu ai cũng im lặng, thì đó thực sự là một nguy cơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét