Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010

Đoá hoa vô thường

Đoá hoa vô thường (12/04/2010)
Chín năm về trước, vào hồi mười hai giờ bốn mươi lăm phút, ngày mồng một tháng tư, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thanh thản, nhẹ nhàng ra đi. Để rồi "Từ đó ta là đêm, nở đoá hoa vô thường". Một đoá hoa vô thường cứ toả mãi hương sắc cho đời...
Ảnh: T.L
Tôi tin chắc rằng, rất nhiều thế hệ tuổi thơ tiếp nối đều đã từng say sưa hát và thuộc lòng bài hát "Em là hoa hồng nhỏ” của Trịnh. Lời của ca khúc dễ hát, dễ thuộc bởi nó rất gần gũi và thật dễ thương: "Em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha". Mùa xuân thường mang những hương sắc tuyệt vời đến cho đời, và em - một đứa bé sinh ra để ngày ngày mẹ nhìn ngắm, làm cho mẹ thấy ấm áp, làm cho mẹ thấy cuộc đời tươi đẹp hơn. Con là một mùa xuân nho nhỏ mang đến cho cha ánh nắng hồng tươi - cái màu nắng đẹp tinh khôi vào lúc bình minh của ngày đầu năm mới. Dường như một mùa đông dài giá rét con đã nằm trong bụng mẹ và được thai nghén bởi sự viên mãn mà tạo hoá gây dựng, để rồi "một sớm mai kia nở đoá xuân thì”. Thế nên con là tất cả những gì đẹp nhất trên đời mà ba mẹ đã dành cho nhau. Nhạc sĩ đã nói lên điều đó thật đơn giản dễ hiểu nhưng hàm ý triết lý rất lớn, rất lớn mà một đứa bé hay một bậc phụ huynh cũng đều hiểu được… Sống tiếp với lời ca, ta cảm thấy như người nhạc sĩ tài hoa này đang muốn gửi gắm cho các em nhỏ một bức thông điệp rằng các em sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước, các em là cả một "quê nhà nhỏ” mà tình nồng ấm lan toả ra như ánh dương - một lời dạy rất nhẹ nhàng mà sâu sắc: "Cây có rừng bầy chim làm tổ/ Sông có nguồn từ suối chảy ra/ Tim mỗi người là quê nhà nhỏ/ Tình nồng ấm như mặt trời xa".
Viết cho trẻ thơ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như hoá thành trẻ thơ. Điều rất khác với nhiều nhạc sĩ khác là những ca khúc của Trịnh thường do Trịnh viết lời và nhạc. Nhưng thi thoảng, Trịnh cũng có phổ nhạc một vài bài thơ của bạn bè thân quen mà tất cả đều rất ngắn và dễ nhớ, dễ thuộc. "Mẹ vắng nhà”, một ca khúc mà Trịnh phổ nhạc từ bài thơ của Nguyễn Văn Dũng là một trong những trường hợp như vậy: "Mẹ đi vắng/ Con sang chơi nhà bà/ Con cầm cây đàn con hát/ Hát cho mẹ về với con" - rất giản dị, chỉ với bốn câu mà cũng nên một ca khúc. Rất nhiều người được nghe ca khúc này trong phim "Xóm nước đen" của hãng phim Sài Gòn, mấy đứa bé mồ côi mẹ trong phim đã tự làm cây đàn dây chun và hát nó. Thực sự xúc động khi nghe những đứa bé ngô nghê cất lên, với chúng dường như mẹ chỉ đi vắng, không mất đâu cả, cũng như anh Sơn bây giờ đang đi vắng đâu đó mà thôi. Quả là ca khúc của anh như một lời kinh cầu nguyện, theo anh thì lời ca có một năng lực nào đó mà có thể "hát cho mẹ về với con". Vâng, ở cái thời mà bất cứ ai cũng phải đi qua - cái thời của tuổi thần tiên, ca khúc của Trịnh đâu chỉ sống và đọng trong lòng người từng ấy, mà còn đó rất nhiều, ấy là "Nối vòng tay lớn" hay "Tuổi đời mênh mông" v.v…
Qua tuổi hoa, tuổi thần tiên là con người bước tới cái ngưỡng của cuộc đời "bể sầu, trời khổ”. Bởi khi đã yêu thì không sầu, không khổ thì có gì được gọi là tình yêu?! Và thế là tự đáy lòng của những người được yêu, đang yêu và bị tình yêu từ chối bật ra những âm điệu thật lạ trong các ca khúc viết về tình yêu của Trịnh Công Sơn. Chính Trịnh cũng đã từng cho rằng: "Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi". Điều nhạc sĩ nói quả thật đúng; hơn thế nữa, khi lắng nghe một bản tình ca cũng là khi "lắng nghe im lặng cuộc tình" ("Tôi đang lắng nghe"). Trong những tình khúc Trịnh Công Sơn, tình yêu vừa là mật ngọt, vừa là mật đắng: Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi/ Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời… ("Lặng lẽ nơi này"). Tại sao lại như vậy? Trịnh Công Sơn không có lời giải thích, chỉ nghe ông nói: "Con người không thể sống mà không yêu. Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc, con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại". Có thể nói, tình yêu ở Trịnh Công Sơn là tình yêu không hạnh phúc.
Hầu hết trong những tình ca của ông là những bức tranh mang tên: tình phụ, tình sầu, tình xa, tình xót xa vừa, tình nhớ, tình vơi… Hạnh phúc có chăng, chỉ đong bằng những mảnh vụn và những mảnh vụn… cũng sẽ chìm trôi. Trong đời người, ai chẳng từng yêu và được yêu… và tránh sao khỏi những cuộc tình tan vỡ. Thế giới tình yêu của Trịnh Công Sơn là một đóng góp thành công trong việc phát hiện và biểu hiện những ngôn ngữ tình yêu sâu kín, thể hiện mọi cung bậc tình cảm, nhớ thương, tương tư, mong chờ, giận hờn, trách móc, xót xa, biệt ly, thất tình, tình phụ… Điều đó làm nên tính chân thật, đa dạng trong các ca từ của ông. Lạc vào thế giới tình ca của ông, mỗi người đều bắt gặp thân phận tình yêu của mình. Trong bài "Biển nhớ", viết về mối tình với cô Tôn Nữ Bích Khê, người Nha Trang, một bạn học cùng lớp thời Sư Phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn nói lên nỗi chờ mong, da diết: Ngày mai em đi/Biển nhớ tên em gọi về/Gọi hồn liễu rũ lê thê/Gọi bờ cát trắng đêm khuya/Ngày mai em đi/Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ/Sỏi đá trông em từng giờ/Nghe buồn nhịp chân bơ vơ… Chỉ trong một bài Biển nhớ, mà chúng ta bắt gặp đến 2 từ chơ, 3 từ nhớ, 6 từ buồn, 6 từ gọi. Có lẽ chưa có một bản tình ca nào mà nỗi nhớ cồn cào, mãnh liệt đến thế… Có người cho rằng, Trịnh Công Sơn luôn phân vân giữa thực và ảo, trong cái cõi mông lung ấy đôi khi nhận ra cái "Sắc - không" trong Phật giáo nó thuộc về quán ngã tự tại, trong đời sống cũng như tình yêu. Ở "Nguyệt ca", điều ấy thể hiện rõ hơn cả "Từ khi trăng là nguyệt, lòng tôi có đôi khi, tựa bông hoa vừa mọc, hân hoan giây xuống thế”. Đến đó tình yêu vượt ra khỏi khuôn khổ của bản thức ham muốn vốn dĩ trong con người, nó rộng lớn như đất trời ngoài kia. Tình yêu - với Trịnh đó là sự dâng hiến cho đời. Anh từng nói: "Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá cuộc đời"
Nguyễn Thị Thọ

Không có nhận xét nào: