Thứ Ba, 6 tháng 7, 2010

Cách chức Chủ tịch tỉnh Hà Giang: "Xử lý thế còn nhẹ"

Cách chức Chủ tịch tỉnh Hà Giang: "Xử lý thế còn nhẹ" 07/07/2010 06:47

Ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Đảng) trao đổi như vậy với VTC News xung quanh nội dung Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) vừa đề nghị cách chức các chức vụ Đảng cũng như bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang của ông Nguyễn Trường Tô. Nguyên nhân là từ năm 2005 đến nay, ông Tô đã thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh, vi phạm nghiêm trọng tư cách cấp ủy viên, đảng viên, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận bất bình trong Đảng và xã hội.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Đảng trả lời phỏng vấn VTC News. Ảnh: Kiều Minh.
- Thưa ông, một trong những nội dung được đông đảo dư luận hết sức quan tâm tại kỳ họp thứ 32 của UBKT TƯ vừa rồi là việc UBKT TƯ đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Nguyễn Trường Tô bằng hình thức cách các chức vụ trong Đảng và đề nghị cấp có thẩm quyền bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ông nghĩ như thế nào về thông tin này?

Sự việc này tôi có xem trên tivi, đọc báo và trao đổi với các anh bên UBKT TƯ. Qua đó, thứ nhất tôi hoan nghênh UBKT TƯ nghiêm túc, khách quan và công khai đưa thông tin này lên báo như thế là tốt. Thứ 2, việc làm của UBKT trước thềm ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 11 sắp tới là rất tốt, có tác động rất tích cực.

- Là một đảng viên, là người đứng đầu chính quyền Hà Giang nhưng ông Nguyễn Trường Tô lại có những hành vi thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh… theo ông cách xử lý như UBKT TƯ đề nghị với ông Tô đã thỏa đáng chưa, đã nghiêm chưa?

Theo tôi, ông này (Nguyễn Trường Tô) không đủ tư cách là một Đảng viên nữa - chứ không phải chỉ là cách các chức vụ Đảng, Chủ tịch UBND, bãi nhiệm đại biểu HĐND.

Ông này là một Đảng viên thoái hóa, một cán bộ thoái hóa. Tội của ông này lớn là mang danh Đảng viên, mang danh một cán bộ của Đảng mà lại làm ô uế thanh danh của Đảng.

Một bài học kinh nghiệm nữa từ vụ việc này là sự nể nang, tránh né, nuông chiều nhau khi mà cả Thường vụ tỉnh ủy biết chuyện ông Tô mà không ai dám nói. Ngoài bài học tránh né, nể nang, xoa dịu cho nhau thì còn bài học về sự mất dân chủ, rõ ràng bên dưới họ biết hết nhưng nói thì người ta lại sợ.

Tôi thấy người này (Nguyễn Trường Tô) không để lại trong Đảng làm gì? Sự việc không chỉ là trách nhiệm nữa - mà là một Đảng viên, cán bộ thoái hóa, biến chất rồi – chưa nói đến ông này với tư cách một người Chủ tịch, một người đứng đầu địa phương.

- UBKT TƯ còn nêu rõ, các vị lãnh đạo gồm Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang đã biết những sai phạm của ông Tô từ năm 2005 nhưng không báo cáo tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét giải quyết. Qua đây ông thấy công tác cán bộ ở Hà Giang thế nào, những hành vi như thế liệu có thành phổ biến không?

Rõ ràng là tránh né nhau. Đây cũng là hiện tượng khá phổ biến, nơi nào sự đấu tranh trong Đảng được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch... cái này không diễn ra. Nơi nào mà mất dân chủ, không công khai, không minh bạch thì những vấn đề, những con sâu mọt này còn trốn tránh được.

- Vậy, ngoài ông Tô, trách nhiệm của những người “dung túng” cho sai phạm của ông Tô thế nào, theo ông?

Cả Thường vụ tỉnh ủy phải có trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm trước sai lầm của cán bộ chủ chốt. Việc này để bây giờ mới xử lý tôi cho là quá muộn.

Theo tôi phải khai trừ ra ông Chủ tịch UBND Hà Giang Nguyễn Trường Tô khỏi Đảng, ông này không còn xứng đáng là Đảng viên nữa.

Xử lý như UBKT TƯ là tốt nhưng còn nhẹ, theo tôi là chưa nghiêm, cần phải nghiêm hơn nữa vì để lại trong Đảng loại người thoái hóa như thế làm gì? Chỉ làm cho nhân dân buồn phiền, mất tín nhiệm.

- Trong phiên họp 32 vừa rồi, UBKT TƯ cũng xem xét, kết luận giải quyết tố cáo đối với 12 cá nhân, gồm các Tổng giám đốc, Giám đốc, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty... mà qua giải quyết thư tố cáo, ở mức độ khác nhau, cán bộ nào cũng có khuyết điểm, có cán bộ phải làm quy trình xử lý kỷ luật. Theo ông, những người bị kiểm điểm như thế thì nếu tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới có đủ uy tín không? Những người chưa là Ủy viên trung ương Đảng thì có đủ tư cách ứng cử không?

Tôi cho là những người đã bị kỷ luật rồi thì thôi.

- Xin cảm ơn ông!

Cũng tại kỳ họp thứ 32 của UBKT TƯ, Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Đảng Nguyễn Đình Hương đã có cuộc trao đổi với VTC News xung quanh nội dung Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) vừa đề nghị Ban Bí thư xử lý kỷ luật đối với ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), về việc ông Bình đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước tại Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng khiến Vinashin bên bờ vực phá sản. VTC News sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết về cuộc trao đổi này.

Kiều Minh (thực hiện)

Không có nhận xét nào: