Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

Chuyện lạ ở khu du lịch tâm linh bậc nhất Việt Nam

Chuyện lạ ở khu du lịch tâm linh bậc nhất Việt Nam

Bản in ấn Email
Cỡ chữ
(Tamnhin.net) - GS,TS Hoàng Quang Thuận, viện trưởng Viện khoa học - Công nghệ - Viễn thông, tác giả “Thi vân Yên Tử”, tập thơ thiền nổi tiếng đã được gửi đi Thụy Điển dự giải Nobel văn học năm 2009 gọi điện mời vợ chồng tôi đi tham quan khu du lịch tâm linh bậc nhất Việt Nam.

Một góc Bái Đính
Hơn sáu giờ sáng, ô tô khởi hành từ Hà Nội đi Ninh Bình. Đón chúng tôi ở khách sạn Hoa Lư là chị Phạm Thị Lan, “bà chủ” của khu du tâm linh nổi tiếng Tràng An - Bái Đính. Chị Lan là vợ của doanh nhân Nguyễn Văn Trường. Nghe nói vợ chồng chị đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng khu du lịch tâm linh này.

Tôi đã nhiều lần đến cố đô Hoa Lư, vào thắp hương ở đền thờ vua Đinh, vua Lê, rồi đi thuyền vào một vài hang động ở nơi được coi là vịnh Hạ Long trên cạn kỳ thú này. Dẫu vậy, trở lại cố đô lần này, tôi thực sự ngạc nhiên. Nơi xưa kia là ruộng hoang mọc đầy cỏ lác nay là con đường nhựa phẳng lỳ. Những khoảng đất hai bên đường bạt ngàn những cây bồ đề mới trồng. Chị Lan cho hay, đất ở đây nếu phân lô bán cũng lên tới bảy, tám tỷ đồng mỗi lô. Như vậy, có thể thu hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng, vợ chồng chị không bán mà trồng cây bồ đề.

Đây là rừng bồ đề lớn nhất Việt Nam. Cây bồ đề của nhà Phật lên xanh ở vùng đất thiêng. Ngồi trên xe ô tô tôi ngỡ như ngồi trên con thuyền đang rẽ sóng đi giữa vịnh Hạ Long. Một vùng non xanh nước biếc linh thiêng tưởng như đã ngủ quên ngàn năm đang thức dậy.

Câu chuyện nàng công chúa Phất Kim thời nhà Đinh bị gả cho phiên bang đã bị chồng hành hạ, xẻo tai, rạch mặt …được kể lại bên giếng Ngọc. Khi nàng trốn được, trở về nhà, đến bên giếng soi mình, nhận ra những vết sẹo ngang dọc trên gương mặt xinh đẹp ngày xưa, nàng khóc, nước mắt như mưa, không chịu nổi, nàng đã nhảy xuống giếng trẫm mình. Nước giếng trong xanh như ngọc cho đến tận bây giờ, sau một ngàn năm.

Đứng bên giếng Ngọc, chúng tôi bái vọng lên chùa Bái Đính. Ngôi chùa linh thiêng có tự ngàn năm. Theo sử sách, Bái Đính cổ tự, do thiền sư Nguyễn Minh Khuông dựng lên. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư" có ghi: "Quốc sư Minh Khuông rất linh ứng, phàm khi có tai ương, hạn hán, cầu đảo đều nghiệm cả”. Chùa thờ Phật, thờ Mẫu, tọa lạc trên một ngọn núi cao 187 mét. Khi kinh lý qua đây vua Lê Thánh Tông tự tay đề bốn chữ: Minh đỉnh danh lam. Theo người đời truyền lại, Bái Đính có nghĩa là cúng bái trời đất, tiên Phật ở trên cao.

Chúng tôi đến khu chùa Bái Đính mới. Thực ra, đây là một quần thể được tọa lạc trên các quả đồi, từ thấp lên cao chia làm 5 cấp theo đường chính đạo: Từ Tam quan nội, đến tháp chuông, điện Quan thế Âm Bồ Tát, điện thờ Phật Tổ và trên cùng là tòa Tam Thế.

Bước vào hành lang La Hán, tôi thực sự ngạc nhiên. Hành lang bằng gỗ chạy dài từ chân đồi lên đỉnh đồi thật kỳ vĩ. Đông nghịt người đến với khu du lịch tâm linh Bái Đính. Có ngày lên tới 40 - 50 ngàn người. Hai hành lang với 500 pho tượng La Hán ngự tọa, mỗi tượng cao 2 người, "mỗi vẻ mặt con người cuồn cuộn đau thương chảy giữa đời" như nhà thơ Huy Cận đã viết.

Tôn Ma ni Bảo; Tôn tuệ quảng Tăng; Tôn ca na Diếp; Tôn ca na đê Bà; Tôn giả kiên trì Tam Tự …500 trăm vị La Hán đầy đủ họ tên, như đang hiện hựu quanh ta, như đang cùng ta sống cuộc sống thường nhật với mọi vui buồn trần thế! Tôi nhìn lên pho tượng Di Lặc bằng đồng cao 10 mét, ngự trên đỉnh đồi cao 93 mét bên phải tòa Tam Thế và nhớ tới hai câu thơ:

No nê , vui vẻ với đời
Kìa ông Di Lặc đang cười với ta.

Có phải triết lý nhà Phật và triết lý dân gian đã giúp ông cha ta vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống bể dâu?

Chúng tôi lên thắp hương ở điện thờ Phật Tổ và Tòa Tam Thế. Gióng một hồi chuông. Tiếng chuông trầm mặc ngân xa. Tận cùng những hang động. Tận cùng của lòng người, của sự thành tâm, thành ý, nơi linh thiêng ngàn năm, nơi vị hoàng đế đầu tiên – Đinh Tiên Hoàng đã đúc đồng tiền đầu tiên với niên hiệu “Thái Bình” của một nhà nước tập quyền độc lập đầu tiên : Đại Cồ Việt.

Buổi trưa. Chúng tôi ăn cơm chay ở tầng trệt tòa Tam Thế. Nhà ăn cho cả ngàn người. Ngồi trên bộ tràng kỷ, tôi đọc cuốn sách “Chào mừng quý khách đến Tràng An - Bái Đính”. Mười ngàn tượng Phật bằng đồng, mười lăm ngàn người tham dự đại lễ cung nghênh ngọc xá lợi Phật, một ngàn xe tham gia lễ rước, một ngàn bộ tràng kỷ cho khách ngồi …Tôi đọc 13 kỷ lục Việt Nam của chùa Bái Đính và hỏi chị Lan số tiền bỏ ra mua vàng giát tượng? Chị cười. Rồi tôi cũng biết 5 pho tượng Phật giát vàng, mỗi pho bỏ ra 7 tỷ tiền mua vàng. Tiền bạc phù vân, nhưng giá trị văn hóa, tâm linh là trường tồn.

Đến phủ Khống nơi thờ vị Đinh Công tiết chế và bảy vị quan trung thần của nhà Đinh cũng là nơi có hang Khống, để bắt đầu cuộc hành trình bằng thuyền đi qua 13 hang động kỳ bí dài 13 cây số. Cô lái đò kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cách đây một ngàn năm: Khi vua Đinh bị tên phản tặc Đỗ Thích dùng thuốc độc hãm hại rồi băng hà, triều đình biến loạn, có bảy vị quan trung nghĩa đã đúc 100 cỗ quan tài bằng đồng khâm liệm và chôn cất vua. Sau đó họ cùng nhau tuẫn tiết, để lại bí mật muôn đời về ngôi mộ thật của vua Đinh. Một vị Đinh Công đã lập bát nhang cho bảy vị trung thần, rồi nhân dân lập đền thờ. Nơi đây còn có cây thị tương truyền là hậu duệ của cây thị linh thiêng ngàn năm tuổi , có quả thị tròn , và những quả thị dẹt trên cùng một cây. Thị tròn để thờ Trời Phật, thị dẹt để thờ thánh thần!

Kỳ tới: Tuyệt tác chim phượng hoàng bay trên Bái Đính

Không có nhận xét nào: