Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

Kỳ 2: Vì sao bà Trần Ngọc Sương muốn tự sát?

Kỳ 2: Vì sao bà Trần Ngọc Sương muốn tự sát?

Bản in ấn Email
Cỡ chữ
(Tamnhin.net) - Phó bí thư Cần Thơ Phạm Thanh Vận nói với phóng viên: “Lấy đất hay không lấy đất là chuyện của Quốc hội, của Chính phủ, chứ không phải của thành phố. Dầu cho bà Sương ở lại mà người ta muốn lấy thì cũng lấy vì đất của nhà nước”.

Bà Ba Sương tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: VietNamNet

"Thanh tra đến chỉ gặp lãnh đạo Cần Thơ"


Bên cạnh vấn đề “thu dư thu vượt”, báo cáo thanh tra còn nêu vấn đề “nông trường thiếu dân chủ”. Báo cáo thanh tra viết: “Nông trường thực hiện quy chế dân chủ từ năm 1999- 2005 còn hình thức, chưa thực hiện đúng phương châm dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Yêu cầu của dân chủ là công khai-minh bạch, nhưng trong thực tế Nông trường chỉ thực hiện tốt phần công khai các khỏan thu, các khỏan nghĩa vụ phải thực hiện cho nông trường viên, không thực hiện tốt phần minh bạch chi sử dụng”.

Phương pháp “kiểm tra dân chủ” của thanh tra là phát phiếu thăm dò: 202 phiếu cho hộ nông trường viên, 135 phiếu cho cán bộ nhân viên văn phòng. Thế nhưng, hầu hết các phiếu đều đánh giá: “Nông trường thực hiện quy chế dân chủ rất tốt”, một số phiếu của nông trường viên cho rằng cán bộ cơ sở của Nông trường còn quan liêu. Bên cạnh, lấy ý kiến của Đảng ủy và đòan thể xã Thới Hưng, đa số cũng đánh giá Nông trường thực hiện tốt và đầy đủ quy chế dân chủ.

Nội dung của dân chủ ở đây, dựa vào Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, theo Nghị định của Chính phủ ban hành ngày 7/7/2003. Như vậy, vấn đề dân chủ không thể xem xét trước khi có Quy chế. Còn từ khi có Quy chế thì phải xem xét ở xã Thới Hưng, vì đã thành lập xã từ ngày 1/1/2004. Xem xét dân chủ ở xã mà tiến hành tại nông trường là chưa chính xác. Lại lấy ý kiến của cán bộ xã Thới Hưng để đánh giá việc thực hiện Quy chế dân chủ ở Nông trường, một doanh nghiệp nhà nước, càng không thích hợp.

Nhưng từ đó có báo cáo số 40/BC-UBND ngày 23/4/2008 của UBND TP Cần Thơ gửi nhiều vị lãnh đạo Trung ương, đánh giá ở Nông trường Sông Hậu “nguyên nhân cơ bản: Dân chủ chưa được phát huy tốt”. Thanh tra quy kết Nông trường mất dân chủ nhưng chính thanh tra lại có biểu hiện thiếu dân chủ. Nhiều đơn kiến nghị của Nông trường cho biết, từ khi có dự thảo báo cáo thanh tra “chúng tôi đã gửi nhiều văn bản giải trình nhưng đều bị ông trưởng đoàn thanh tra bác bỏ”.

Ngày 12/5/2008, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ có văn bản kiến nghị và Thanh tra Chính đã phủ lập Tổ công tác để xem xét. Trên cơ sở báo cáo của Tổ công tác, ngày 26/9/2008, Thanh tra Chính phủ có cáo cáo Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo này chủ yếu lặp lại báo cáo thanh tra của TP Cần Thơ, và đánh giá “Những việc làm không minh bạch và những sai phạm của nông trường (trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều nông trường viên) vừa là nguyên nhân vừa là cái cớ để người dân tập trung khiếu kiện đông người, tạo thành điểm nóng về trật tự an tòan xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ”.

Như thế, tình hình khiếu kiện bùng nổ có những nguyên nhân như phân tích ở trên, đã được quy hết cho sai lầm của Nông trường. Về báo cáo của Thanh tra Chính phủ, bà Trần Ngọc Sương cho biết: “Thanh tra đến Cần Thơ chỉ gặp lãnh đạo thành phố, chứ đâu có gặp chúng tôi để tìm hiểu sự thật”.

Khu đô thị, nghỉ hưu và vụ án

Từ khi mở ra thanh tra, ngày 10/10/2007, lần đầu tiên bà Trần Ngọc Sương được gặp riêng lãnh đạo TP Cần Thơ. Buổi gặp có phó chủ tịch thường trực UBND, giám đốc Sở Nội vụ, trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP Cần Thơ. Bà Sương nói: “Tôi buồn lắm. Nhiều khi tôi muốn tự sát chết cho rồi. Không chồng không con, không nhà cửa, mà các anh dí quá mức. Tôi cố gắng bình tĩnh, đợi các anh sáng suốt xem xét”.

Những cán bộ lãnh đạo có mặt ở cuộc họp chỉ yêu cầu bà nghỉ hưu.

Đến ngày 25/10/2007, thường trực Thành ủy Cần Thơ làm việc với bà, lại tiếp tục yêu cầu bà nghỉ hưu. Buổi làm việc này do phó bí thư Thành ủy Cần Thơ Phạm Thanh Vận chủ trì, cùng với Trưởng ban Tổ chức Thành ủy. Phó bí thư Phạm Thanh Vận đề nghị bà Sương nghỉ hưu để được “hạ cánh an tòan”. Bà Sương xin tại chức thêm hơn một năm nữa để giải quyết những việc do thanh tra đặt ra và làm lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Nông trường.

Phó bí thư Phạm Thanh Vận nói (lược trích băng ghi âm): Thành phố đang làm việc với Chính phủ, chuyển đổi toàn bộ khu vực hai nông trường này (Nông trường Sông Hậu và Nông trường Cờ Đỏ) thành khu đôi thị mới Nam Sông Hậu. Có sân bay, đường cao tốc, sân golf và các thứ hướng làm ăn lớn. Tinh thần là có các nhà đầu tư của Mỹ, Hàn Quốc và một số nữa, hiện đang rà soát năng lực ra sao, đang tính kiểu giao từ đầu đến cuối, cả thiết kế, đầu tư, khai thác.

Phóng viên có hỏi phó bí thư Cần Thơ Phạm Thanh Vận về dư luận cho rằng, bà Sương không nghỉ hưu để lãnh đạo Cần Thơ lấy đất làm dự án, nên mới bị xử lý nặng? Ông Vận nói: “Lấy đất hay không lấy đất là chuyện của Quốc hội, của Chính phủ, chứ không phải của thành phố. Dầu cho bà Sương ở lại mà người ta muốn lấy thì cũng lấy vì đất của nhà nước”.

Bà Sương không tự nguyện nghỉ hưu theo yêu cầu, UBND TP Cần Thơ có lọat quyết định: Ngày 1/4/2008 cho bà Sương “nghỉ làm việc để điều trị bệnh dài hạn”, ngày 6/5/2008 “chấm dứt thời hạn cho bà Sương nghỉ làm việc để điều trị bệnh” và cùng ngày có quyết định cho bà Sương “nghỉ hưu kể từ ngày 1/7/2008”.

Trước đó, ngày 20/3/2008, Thành ủy Cần Thơ đã có công văn chỉ đạo “trước mắt khởi tố vụ án về tội cố ý làm trái…”. Ngày 9/4/2008, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ có Quyết định Khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Sáng 15/8/2009, bản án sơ thẩm của TAND huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), xử vụ “lập quỹ trái phép” ở Nông trường Sông Hậu, đã tuyên, bà Trần Ngọc Sương 8 năm tù, nguyên phó giám đốc Nông trường Trương Hồng Nhung 6 năm tù, kế toán trưởng Đặng Thế Quốc Hưng 4 năm tù, thủ quỹ Nguyễn Văn Sơn 3 năm tù, kế toán Hoàng Thị Bình 1 năm 6 tháng tù hưởng án treo.

Ngày 19/11/2009, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm. Bà Bình không kháng án, tòa chỉ xem xét trách nhiệm với 4 người và đã tuyên y án sơ thẩm với bà Sương, ông Hưng; giảm án cho hai người còn lại mỗi người một năm tù.

Ngày 6/4/2010, Viện kiểm sát Tối cao đã ra Kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 137/2009/HSPT ngày 19/11/2009 của TAND TP Cần Thơ và bản án hình sự sơ thẩm số 25/2009/HSST ngày 11 đến 15/8/2009 của TAND huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Đề nghị Toà hình sự TANDTC xét xử giám đốc thẩm huỷ các bản án hình sự nêu trên để điều tra lại theo thủ tục chung”.

Sáu Nghệ

Không có nhận xét nào: