Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

Vì sao bà Trần Ngọc Sương muốn tự sát?

Vì sao bà Trần Ngọc Sương muốn tự sát?

Bản in ấn Email
Cỡ chữ
Ý kiến bình luận (6)
(Tamnhin.net) - “Tôi buồn lắm, nhiều khi tôi muốn tự sát cho rồi. Không chồng, không con, không nhà cửa, mà các anh dí tôi quá mức ...” (trích băng ghi âm).

Bà Ba Sương. Ảnh trên internet
Trong quá trình hoạt động, không ít doanh nhân phải "trả giá" cho các giao thương của mình. Không ít người trong số họ phải vào tù ra tội. Một số vụ án của doanh nhân đã gợn lên nhiều điều đáng suy nghĩ trong dư luận. Vụ bà Ba Sương là ví dụ.

Tamnhin.net
khởi đăng loạt bài Nước mắt doanh nhân, với mong muốn cung cấp cái nhìn về những số phận của một vài doanh nhân đã vật lộn vì nhiều thứ, nhất là vật lộn vì cơ chế như thế nào.

Bài 1: Vì sao bà Trần Ngọc Sương muốn tự sát?

“Tôi buồn lắm, nhiều khi tôi muốn tự sát cho rồi. Không chồng, không con, không nhà cửa, mà các anh dí tôi quá mức ...” (trích băng ghi âm)

Nông trường là đơn vị hành chính!

Ngày 21/3/2006, chủ tịch UBND TP Cần Thơ có quyết định thành lập Đoàn thanh tra tại Nông trường Sông Hậu, do ông Hồ Văn Gia, phó chánh thanh tra TP Cần Thơ, làm trưởng đoàn. Thời gian thanh tra từ năm 1993 đến năm 2005.

Tháng 9/2006, Đoàn thanh tra có dự thảo báo cáo kết quả thanh tra, dày 32 trang và một số phụ lục kèm theo. Dự thảo gây nhiều tranh cãi. Không thống nhất được các ý kiến, trưởng đoàn Hồ Văn Gia vẫn ký Bản hoàn chỉnh báo cáo kết quả thanh tra, dày 49 trang, phần nội dung đề ngày 5/10/2006 nhưng trang bìa đề tháng 5/2007. Ngày 7/5/2007, UBND TP Cần Thơ ban hành Kết luận về kết quả thanh tra.

Càng gây nhiều tranh cãi bởi báo cáo thanh tra chủ yếu coi Nông trường là đơn vị hành chính, trong khi từ năm 1992, Nông trường là doanh nghiệp nhà nước, phải vay tiền ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, từ năm 1992 hết năm 2003, Nông trường làm thêm nhiệm vụ quản lý hành chính của một xã, nhưng không được cấp ngân sách, cũng phải vay tiền ngân hàng đầu tư kiếm lời để chi tiêu.

Báo cáo thanh tra viết: “Nông trường thực hiện không đúng qui định tại phần IV, phần V của Thông tư 01/TTLB ngày 10/1/1996 của Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT như không có kế hoạch lập và sử dụng các quỹ, chi phí quản lý đất đai, không theo dõi riêng từng nguồn theo quy định”. Đó là quy định dành cho đơn vị hành chính sự nghiệp được cấp ngân sách và thu chi phải thông qua HĐND.


Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Trần Ngọc Hoằng, giám đốc Nông trường Sông Hậu.
Ảnh trên internet

Báo cáo thanh tra viết: “Nông trường đã trích khấu hao đến năm 2005 lớn hơn nguyên giá tài sản cố định là 22.019.313.934 đồng”. Thanh tra làm phép tính đơn giản: Cộng dồn số thu tuyệt đối từ 1993 đến 2005 rồi trừ đi nguyên giá năm 1993. Đấy là phép tính dành cho đơn vị hành chính sự nghiệp được cấp ngân sách. Còn Nông trường vay vốn ngân hàng để đầu tư, ít nhất còn phải trả lãi, tiền lãi phải tính vào tài sản để khấu hao.

Những xem xét như thế dẫn tới đánh giá: nông trường làm trái quy định nhà nước.

“Thu dư thu vượt” thổi bùng khiếu kiện

Báo cáo thanh tra khi chưa chính thức công bố, bằng con đường nào đó đến được một số tờ báo ở TP Hồ Chí Minh và cuối năm 2006 đầu 2007, rộ lên dư luận Nông trường đứng bên bờ vực phá sản. Trong một Đơn kiến nghị khẩn cấp của tập thể lãnh đạo Nông trường, gửi lãnh đạo địa phương, đã viết: “Rò rỉ thông tin cho một số tờ báo, sự thật thì chỉ trích đọan để bôi nhọ Nông trường đến cùng cực, xem tập thể Nông trường là một lũ tội đồ, và được quy chụp cho bao nhiêu là tội lỗi, sai phạm đối với nhân dân và đối với nhà nước. Có tờ báo còn trích đọan tiêu đề Cả tập thể ban lãnh đạo sai phạm. UBND TP Cần Thơ chỉ đạo việc truy tìm người đã để lộ thông tin cho báo chí bằng văn bản số 4827/UBND-NC ngày 28/11/2006 nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết quả để qui trách nhiệm cho ai? Và tất cả đã chìm vào quên lãng”.

Xem nông trường là đơn vị hành chính, dẫn tới việc cho rằng, nông trường “thu dư thu vượt” với nông trường viên. Kết luận này đã vô tình đổ dầu vào lửa khiếu kiện của một số nông trường viên, trước đó còn leo lét. Báo cáo của Công an huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), ngày 4/7/2007, do trưởng công an huyện, trung tá Hồ Trung Lập ký, cho biết: “Từ ngày 17/1/2007 đến 18/2/2007, số đối tượng ở xã Thới Hưng, Xuân Thắng, thị trấn Thới Lai và phường Phước Thới quận Ô Môn, hàng ngày tập trung tại khu làm việc của Ban giám đốc Nông trường từ 20 đến 150 người. Riêng ngày 14/2/2007, họ đem hai con heo quay đến cổng khu làm việc của Ban giám đốc Nông trường ăn mừng (…) Ngòai ra, họ còn tập trung thành đoàn đông người kéo đến UBND thành phố, Sở NN-PTNT đòi trả lại đất gốc, đòi các khỏan thu dư, thu vượt”. Và ngày 6/3/2007, một số người đã tràn vào Nông trường “bao chiếm trái phép 10 phần đất với tổng diện tích 31,454ha”. Theo báo cáo này, đa số người khiếu kiện đang sinh sống ở bên ngoài, không phải ở trong Nông trường.

Lúc này, TP Cần Thơ có các hành động khẩn trương giải quyết khiếu kiện. Ngày 14/9/2007, UBND TP Cần Thơ trực tiếp đối thọai với nông trường viên. Ngày 15/11/2007, UBND TP Cần thơ có Công văn chỉ đạo tăng cường công tác giải quyết khiếu nại về đất đai ở Nông trường Sông Hậu và Nông trường Cờ Đỏ. Ngày 2/1/2008, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ban hành lọat công văn trả lời các nông trường viên khiếu kiện, khẳng định: Nông trường không thu dư thu vượt. Công văn của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giải thích rõ: các khoản thu theo thỏa thuận giữa Nông trường với các nông trường viên, nếu các nông trường viên không đồng ý có thể kiện ra tòa.

Không có nông trường viên nào khởi kiện. Tình hình khiếu kiện dần lắng dịu.

Sáu Nghệ

Ngày mai, mời độc giả đón đọc kỳ 2

Không có nhận xét nào: