Giáo dục đại học Việt Nam: lợi nhuận rất “mờ”!
Ngày nay, loại hình đại học quá đa dạng và cũng thường có sự tách rời cùng với sự đan xen nhất định giữa: Người cung cấp tài chính - Người cung cấp hay vận hành dịch vụ - và Người hưởng thụ dịch vụ.
>> Đại học lộn xộn, không ai chịu trách nhiệm
Trong bối cảnh đó, hệ thống đại học của nhiều nước không gọi “công”, “tư” theo quyền sở hữu nữa mà gọi theo người vận hành và việc phân biệt giữa “vì lợi nhuận” và “không vì lợi nhuận” còn quan trọng hơn là phân biệt giữa “công” và “tư”.
Thế giới: Rõ ràng giữa “lợi nhuận” và “phi lợi nhuận”
Vị trí và loại hình đại học tư thục trên thế giới hết sức đa dạng.
Về vị trí, Anh và châu Âu phúc lợi thì gần như không có mấy đại học tư thục. Ở Mỹ thì sinh viên ở đại học tư thục chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng số, nhưng phần lớn các đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu ở đây lại là đại học tư thục. Ở châu Á, có nước vai trò đại học tư thục chỉ là “vòng ngoài” như ở Trung Quốc, Việt Nam…, có nước lại có vị trí “bổ sung” như ở Thái Lan, Indonesia mấy năm trước đây…, có nước lại có vai trò “chi phối” như ở Nhật, Hàn Quốc, Philippines…
Sinh viên đóng học phí tại Trường đại học Hồng Bàng (TP.HCM) - Ảnh: Trần Tiến Dũng |
Về loại hình, loại hình “không vì lợi nhuận” (not for - profit) lại chiếm phần lớn ở Mỹ, khoảng hơn 21% tổng số sinh viên; chỉ có khoảng hơn 1% tổng số sinh viên ở các đại học tư thục “vì lợi nhuận”. Và đại học “không vì lợi nhuận” cũng chiếm phần lớn ở Nhật. Ở một số nước khác, loại hình “vì lợi nhuận” (for - profit) lại chiếm phần lớn và có cả loại hình “nửa vì lợi nhuận (semi for - profit) hay có “mức lợi nhuận thích hợp” (approriate profit) như ở nhiều nước của châu Á.
Ngày nay trên thế giới còn có “đại học có liên quan đến nhà nước” (State - related) như ở Mỹ, nhà nước thường cung cấp khoảng 50% kinh phí, có thể gọi là “bán công”, đại học có tài trợ công nhưng “vận hành tư” như IUB của Đức, SMU của Singapore…; đại học tư có tài trợ của nhà nước như ở Ấn Độ; đại học tư do đại học công phối hợp với chính quyền địa phương thành lập…
Ngân hàng thế giới (WB) còn khuyến khích lập các đại học công - tư phối hợp (Public - Private Partnership - PPP). Cũng có nhiều trường đại học thuộc các công ty, như Apple, Dell, Disney, General Motors, Motorola, Xerok Document…
Việt Nam còn nhập nhèm: vừa phi lợi nhuận, vừa có chủ sở hữu
Ở Việt Nam, đại học tư thục ở dạng “dân lập” đã có từ 1988 - Đại học Thăng Long. Đến nay đã có 81 trường đại học và cao đẳng ngoài công lập với số sinh viên chiếm gần 15% trong tổng số. Có thể cho rằng, chính sách phát triển đại học ngoài công lập là một quyết sách hết sức “táo bạo” và đúng đắn khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới.
Tuy vậy, qua hơn 20 năm đại học ngoài công lập, đã thấy được một số tồn tại sau đây:
Về mặt pháp lý, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có cơ chế “không vì lợi nhuận” mặc dù cơ chế này đã được trao đổi ở hội thảo “Quy chế đại học tư thục” ở Hải Phòng từ năm 2004. Đến năm 2005, Nghị quyết 05 về “xã hội hóa” viết: “Theo cơ chế phi lợi nhuận thì ngoài phần được dùng để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư… lợi nhuận chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển”.
Vừa qua, Bộ Tài chính cũng giải thích một cách tương tự. Đây là một “kẽ hở”, trong khi “nhà nước hỗ trợ khuyến khích các cơ sở ngoài công lập đăng ký hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận. Đã phi lợi nhuận thì không có nhà đầu tư và tài sản “đầu tư phát triển” nếu vẫn là sở hữu của một ai đó thì không thể nói là phi lợi nhuận.
Có lẽ chính vì vậy, đến tháng 1-2006, Chính phủ đã có Chỉ thị 193 yêu cầu trình cơ chế phi lợi nhuận vào cuối năm đó. Trong hai năm 2008, 2009, một lần nữa cơ chế này lại được trao đổi khi dự thảo Nghị định về hợp tác đầu tư về GD với nước ngoài, nhưng trong dự thảo này, cơ chế “không vì lợi nhuận” vẫn để “mờ” một cách có chủ ý và còn yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển lợi nhuận về nước họ (!).
Về mặt quản lý đã có sự buông lỏng, từ khâu lập trường, mở ngành tuyển sinh cho đến giám sát chất lượng đào tạo v.v… Từ Hội nghị Giáo dục Đại học ngoài công lập ngày 31/1/2007, Bộ đã biết: “Cơ sở phòng ốc, thiết bị giảng dạy học tập thiếu thốn đang ở mức báo động”, tỷ lệ sinh viên trên thầy giáo lên đến 43/1, nhiều trường “mất đoàn kết nghiêm trọng”…
Trong khi đó, tài sản tăng lên nhiều lần trong 5 năm, có trường có vốn góp ban đầu 1-2 tỉ đồng, sau chừng 10 năm tài sản đã là 40-50 tỉ đồng, có trường có mức lợi nhuận lên đến 25 - 30% và hơn nữa. Giám đốc các công ty nói đây là “siêu lợi nhuận”. Có lẽ vì vậy mà khi Bộ yêu cầu gởi báo cáo tài chính cho Hội nghị thì chỉ có 14/45 trường có nộp báo cáo (!).
Chưa kể, thị trường dịch vụ giáo dục đào tạo chỉ là “thị trường của niềm tin”, “thông tin bất đối xứng”… nên nhiều lắm cũng chỉ là “gần như thị trường” (Quasi - market). Hơn nữa, cung trong giáo dục đại học hiện nay chỉ mới bằng khoảng 40% của cầu, nghĩa là còn có tính chất “độc quyền”, chất lượng có tồi đến mấy vẫn có người mua, không phải như ở nhiều nước khác.
Trong bối cảnh đó, lẽ ra nhà nước vẫn phải kiểm soát chặt chẽ các cơ sở này ở hai mảng chính là “chuẩn mực học thuật” và tài chính, kể cả học phí. Gần đây bộ có yêu cầu “Ba công khai”. Ba công khai rất tốt, nhưng có lẽ khó có một ai phán xét nổi chất lượng ở đó là đáng giá 7 triệu đồng hay 10 triệu đồng.
Chính bối cảnh trên đã làm cho: (1) Kế hoạch từ năm 2005 đưa tỷ lệ sinh viên ngoài công lập lên 30 - 40% vào năm 2010 (vừa qua chỉnh lại là 2020) không thực hiện được, trong khi tiềm lực đầu tư cho giáo dục của xã hội còn rất lớn, từ 2006-2007 đã có hàng trăm hồ sơ xin lập trường, nhưng nhiều nhà đầu tư tâm huyết đã bỏ cuộc;
(2) Kế hoạch chuyển đại học dân lập sang tư thục đã có bốn năm qua (Chỉ thị 122) cũng không thực hiện được, có nhà đầu tư đã “bán tháo” cổ phần, có cơ sở từ đầu không có ai góp vốn thì đương nhiên không chia lãi được nhưng lại có cách “lách” khác, có cơ sở đang tìm cách thu về một chủ…; (3) Chất lượng đào tạo ở nhiều đại học ngoài công lập không được đảm bảo, một mặt làm cho xã hội “hoài nghi” đối với tư thục, mặt khác làm ảnh hưởng không tốt đối với một số cơ sở, một số nhà đầu tư và hoạt động giáo dục chân chính và có tâm huyết.
Đại học “nửa vì lợi nhuận” cho giáo dục Việt Nam
Từ những phân tích trên, kiến nghị:
Thứ nhất, do Việt Nam chưa có truyền thống cho tặng đối với giáo dục đại học nên đại học tư không vì lợi nhuận có lẽ chỉ có trong một vài trường hợp đặc biệt. Vì vậy cần khuyến khích phát triển các đại học tư thục “nửa vì lợi nhuận”, ví dụ có mức lãi tối đa bằng 150% lãi suất huy động của ngân hàng chẳng hạn. Có thêm 50% lãi suất là để “bù đắp rủi ro” (risk premium) cho một số rủi ro có thể có. Khi cung trong giáo dục đại học lên gần bằng cầu, mức rủi ro sẽ cao hơn, có thể hiệu chỉnh cao hơn con số 50% nói trên. Phần lợi nhuận cao hơn 150% sẽ trở thành “sở hữu cộng đồng”.
Thứ hai, theo cơ chế này có thể phát triển đại học tư thục công - tư phối hợp (PPP) như khuyến khích của Ngân hàng Thế giới. Khi đó, nhà nước (và có thể cả các cơ sở đại học công lập) có thể góp vốn bằng đất đai và các nguồn vốn sẵn có của mình. Mặt khác, vẫn có cơ sở đại học tư là “vì lợi nhuận”, các cơ sở đó cần ở trạng thái của một công ty, ngay cả với chính sách đất đai và thuế, dù có ưu đãi. Cần làm rõ cơ chế “không vì lợi nhuận” để tránh những lợi dụng.
Thứ ba, xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong việc lập trường, không yêu cầu phù hợp với “Quy hoạch mạng lưới đại học”. Vì rằng, một mặt quy hoạch mạng lưới có “độ tin cậy” rất thấp, mặt khác nhà đầu tư mở một đại học cũng giống như mở một doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ tự biết lo. Nếu đáp ứng đủ các yêu cầu quy định thì đương nhiên được mở trường.
Đặc trưng cơ bản về mặt pháp lý, kinh tế và tổ chức của một đại học: “Không vì lợi nhuận” là: (1) “Không được chia lợi nhuận cho một ai”; (2) “Không có chủ sở hữu” hay “nó sở hữu chính nó”, có thể nói tài sản ở đây là thuộc “sở hữu cộng đồng”, nguồn vốn chủ yếu của nó là từ cho tặng và học phí và (3) “Thường được quản trị bởi một Hội đồng đại diện cho những nhóm có lợi ích liên quan”. “Không vì lợi nhuận” không có nghĩa là không được phép tạo ra lợi nhuận và thu nhập không bao giờ được vượt quá chi phí. Hơn nữa một tổ chức “không vì lợi nhuận” có thể có một bộ phận vì lợi nhuận. Có trường đại học hàng đầu ở Mỹ không vì lợi nhuận có một bệnh viện tư vì lợi nhuận đem lại đến 50% doanh thu của nhà trường. Đại học “vì lợi nhuận”, thì triết lý của nó vẫn tuân theo triết lý nói chung của một công ty là “cực đại lợi nhuận”. Do vậy, các đại học “vì lợi nhuận” trên thế giới là cơ chế của một công ty. Chính vì vậy, vấn đề đại học “vì lợi nhuận” ở Canada vẫn là “không khuyến khích và còn tranh cãi”, ở Mỹ “còn chưa được giải quyết”, ở Ấn Độ vẫn là “những cửa hàng bán lẻ tri thức” và nhiều lời lẽ nặng lời khác. Cũng chính vậy, nhiều nước ở châu Á vẫn không mở cửa hoàn toàn cho đại học tư thục vì lợi nhuận và xuất hiện loại đại học tư thục “nửa vì lợi nhuận”. |
Theo GS PHẠM PHỤ
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét