Người Trung Quốc và bài toán thế kỷ (I)
Mấy tháng nay, dư luận xôn xao về chuyện nhà toán học thiên tài người Nga Grigory Perelman, người đã chứng minh được giả thuyết Poincaré, bài toán của thế kỷ, có thể sẽ từ chối nhận giải thưởng 1 triệu đôla của viện Clay. Cách đây bốn năm, chính ông cũng đã từ chối huy chương Fields, giải thưởng danh giá nhất dành cho các nhà toán học. Xung quanh chuyện này, Bee đăng lại bài dịch của dịch giả Phạm Văn Thiều do báo Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu.
Một buổi tối, ngày 20/6/2006, vài trăm nhà vật lý, trong đó có một người từng đoạt giải Nobel, tụ tập trong phòng họp của khách sạn Hữu Nghị ở Bắc Kinh để nghe một báo cáo của nhà toán học người Trung Quốc Shing-Tung Yau.
Vào cuối những năm 1970, khi chưa đầy ba mươi tuổi, ông đã có một loạt đột phá góp phần dẫn tới cuộc cách mạng của lý thuyết dây trong vật lý học và thêm vào đó ông đã được nhận huy chương Fields – một phần thưởng danh giá nhất trong toán học và ông trở nên nổi tiếng trong cả hai lĩnh vực (toán học và vật lý) như một nhà tư tưởng có khả năng kỹ thuật vô song.
Niềm tự hào của toán học Trung Quốc
Sau đó, Yau đã trở thành giáo sư toán của đại học Harvard, viện trưởng viện Toán học ở Bắc Kinh và Hong Kong, chia sẻ thời gian giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bài giảng của ông ở khách sạn Hữu Nghị là một phần của hội nghị quốc tế về lý thuyết dây do ông tổ chức với sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc nhằm khích lệ những tiến bộ gần đây của nước này trong lĩnh vực vật lý lý thuyết. (Hơn 6 ngàn sinh viên tụ tập ở đại lễ đường Nhân dân để đợi được phát bản báo cáo chính của Stephen Hawking, một người bạn thân của Yau).
Nhà toán học Shing-Tung Yau |
Không có nhiều người trong cử toạ biết về chủ đề bài giảng của Yau: đó là giả thuyết Poincaré, một bài toán hóc búa đã tồn tại một thế kỷ về những đặc trưng của các mặt cầu ba chiều, mà vì những hệ quả quan trọng của nó trong toán học và vũ trụ học, cũng như vì nó đã làm thất bại mọi ý đồ nhằm giải nó trong quá khứ, nên các nhà toán học coi nó như chiếc chén thánh.
Là một người đàn ông 57 tuổi, chắc nịch, đeo kính gọng đen, mặc chiếc sơmi ngắn tay, Yau đứng trên bục giảng, hai tay đút túi quần, kể về hai sinh viên của ông là Xi-Ping Zhu và Huai-Dong Cao đã hoàn tất chứng minh giả thuyết Poincaré chỉ mới ít tuần trước. “Tôi rất kỳ vọng vào công trình của Zhu và Cao”, Yau nói, “Các nhà toán học Trung Quốc hoàn toàn có đủ lý do để tự hào về một thành công lớn lao trong việc giải quyết được trọn vẹn một bài toán hóc búa như thế”.
Ông nói rằng Zhu và Cao phải hàm ơn một cộng sự lâu năm người Mỹ của ông là Richard Hamilton, người xứng đáng được coi là có uy tín nhất trong việc giải bài toán Poincaré. Ông cũng có nhắc tới Grigory Perelman, một nhà toán học Nga mà ông công nhận là đã có một đóng góp quan trọng.
Tuy nhiên, Yau nói: “Trong công trình của Perelman, mặc dù là rất đẹp, nhưng nhiều ý tưởng then chốt của chứng minh mới chỉ là những phác thảo, thường còn thiếu các chi tiết”.
Và ông nói thêm, “Chúng tôi rất muốn gặp Perelman để bàn thảo. Nhưng ông ta sống ở St. Petersburg và từ chối giao tiếp với những người khác”.
Nhà toán học Grigory Perelman đã từng từ chối giải thưởng danh giá |
Trong suốt 90 phút, Yau thảo luận về một số chi tiết có tính kỹ thuật trong chứng minh của các học trò ông. Và khi ông kết thúc, không một ai có câu hỏi nào. Tuy nhiên, đêm đó, một nhà vật lý người Brazil đã đưa lên blog của ông cảm tưởng về bài giảng của Yau. “Nghe cứ như Trung Quốc sắp dẫn đầu trong lĩnh vực toán học đến nơi!”, ông viết.
Trao giải cho người Nga
Grigory Perelman quả thật là một người khó gần. Ông đã từ bỏ chức danh nghiên cứu viên tại viện Toán Steklov ở St. Petersburg, và ông cũng có rất ít bạn. Ông sống với mẹ trong một căn hộ ở ngoại ô thành phố. Mặc dù chưa bao giờ đồng ý phỏng vấn trước đó, nhưng ông là một người chân thành, cởi mở khi chúng tôi gặp ông, gần ngay sau hội nghị của Yau ở Bắc Kinh. “Tôi cũng có tìm kiếm một số người bạn, nhưng họ không nhất thiết phải là nhà toán học”, ông nói.
Một tuần trước khi bỏ phiếu, Perelman đã dành nhiều giờ để thảo luận về giả thuyết Poincaré với ngài John M. Ball, vị chủ tịch 58 tuổi của hiệp hội Toán học quốc tế (I.M.U.), một hội nghề nghiệp có ảnh hưởng nhất của lĩnh vực này. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại một trung tâm hội nghị trong một ngôi nhà lớn uy nghiêm nhìn ra sông Neva, kể cũng thật khác thường.
Vào cuối tháng 5/2006, một uỷ ban gồm chín nhà toán học xuất sắc đã bỏ phiếu nhất trí trao cho Perelman huy chương Fields vì công trình của ông về giả thuyết Poincaré, và Ball đã phải cất công tới St. Petersburg để thuyết phục Perelman nhận giải trong một nghi lễ công khai tại đại hội tổ chức bốn năm một lần của hiệp hội Toán học quốc tế, diễn ra tại Madrid ngày 22/8/2006.
Huy chương Fields, giải thưởng được trao bốn năm một lần, cho từ hai đến bốn nhà toán học, với tiêu chí không chỉ ban thưởng cho những thành tựu trong quá khứ mà còn muốn kích thích những nghiên cứu trong tương lai, nên nó chỉ được trao cho những nhà toán học ở tuổi 40 hoặc trẻ hơn. Trong mấy chục năm gần đây, khi số lượng các nhà toán học chuyên nghiệp tăng lên, huy chương Fields ngày càng trở nên có uy tín. Trong gần 70 năm trở lại đây, chỉ có 44 huy chương Fields đã được trao, kể cả ba công trình có liên quan gần gũi với giả thuyết Poincaré – và chưa có một nhà toán học nào từ chối giải thưởng này. Tuy nhiên, Perelman đã nói với Ball rằng ông không có ý định nhận nó, “Tôi từ chối”, ông chỉ nói ngắn gọn như vậy. |
Kỳ 2: Cuộc chạy đua thầm lặng
Theo Phạm Văn Thiều, Báo Sài Gòn tiếp thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét