Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

10 sự kiện giáo dục nổi bật nhất năm 2010

10 sự kiện giáo dục nổi bật nhất năm 2010

Bản in ấn Email
Cỡ chữ
(Tamnhin.net) – Năm 2010 với nhiều sự kiện giáo dục đáng nhớ. Trong đó, đáng tự hào nhất là Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields, Việt Nam lọt vào top 1.000 đại học kinh doanh tốt nhất. Cùng Tamnhin.net điểm lại những sự kiện giáo dục nỗi bật nhất của năm Canh Dần.



1. Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields

Ngày 19/8 tại Hyderabad, Andhra Pradesh, Ấn Độ giáo sư toán học Ngô Bảo Châu chính thức được trao giải Fields. GS Ngô Bảo Châu đã vinh dự là một trong 4 nhà toán học giành giải Fields. GS Ngô Bảo Châu là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng danh giá này. Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật có nhà toán học đoạt giải Fields.


Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải toán học Fields
(Ảnh AP)

Thành tựu của Ngô Bảo Châu đã được tạp chí uy tín Time của Mỹ đánh giá là một trong 10 phát kiến khoa học quan trọng nhất của năm 2009.

Huy chương Fields là một giải thưởng được trao cho tối đa bốn nhà toán học không quá 40 tuổi tại mỗi kỳ Đại hội Toán học Thế giới của Hiệp hội Toán học Quốc tế (IMU). Cùng với Ngô Bảo Châu, ba nhà toán học khác đoạt giải Fields lần này còn có Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp).

Đại hội được tổ chức bốn năm một lần. Nhà toán học Canada John Charles Fields là người sáng lập giải thưởng.

2. Áp dụng mức học phí mới

Ngày 14/05, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1.7.2010.


Mức học phí mới ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của sinh viên


Cụ thể, vùng thành thị: từ 40.000 - 200.000 đồng/tháng/HS; nông thôn: 20.000 - 80.000 đồng/tháng/HS; miền núi: 5.000 - 40.000 đồng/tháng/HS. Đặc biệt, từ năm học 2011-2012 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch - Đầu tư thông báo. Căn cứ khung học phí này, HĐND các tỉnh, thành phố quy định mức học phí cụ thể hằng năm phù hợp với thực tế các vùng của địa phương mình.

Đối với giáo dục nghề nghiệp và ĐH công lập, mức thu học phí thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Mức trần học phí ĐH năm học tới là 290.000 - 340.000 đồng/tháng/sinh viên và tăng dần theo từng năm, tới mức 550.000 - 800.000 đồng/tháng ở năm học 2014-2015.

Hệ TCCN, CĐ, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, mức trần học phí được xác định theo hệ số so với ĐH. Cụ thể, mức trần học phí TCCN bằng 0,7 mức trần học phí ĐH; CĐ là 0,8; thạc sĩ là 1,5 và tiến sĩ là 2,5. Nghị định cũng quy định cụ thể mức trần học phí đối với trung cấp nghề, CĐ nghề công lập tuỳ theo từng nghề. Cụ thể, trong năm 2010, mức trần học phí các hệ này từ 200.000 - 530.000 đồng/tháng; năm 2011 từ 210.000 - 560.000 đồng/tháng; năm 2012 từ 230.000 - 600.000 đồng/tháng; năm 2013 từ 240.000 - 630.000 đồng/tháng và năm 2014 từ 250.000 - 670.000 đồng/tháng.

3. Hiệu trưởng mua dâm

Vụ án thầy Hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm học sinh - những trẻ em còn tuổi vị thành niên đã làm dư luận địa phương hết sức bất bình.


Vụ mua bán dâm đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành giáo dục tỉnh Hà Giang (Ảnh: Khoa học & Đời sống)


Tại tòa chiều 27/1/2010, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng cho biết, ngoài 3 lần phục vụ ông Xương cô còn bị thầy ép phục vụ bạn bè ông ta để mang tiền về. Trong danh sách này có một số tên trùng với những danh tính mà Hằng đã khai. Mỗi lần được phục vụ, những vị khách này trả thấp nhất 500.000 đồng, cao nhất 5 triệu đồng.

Vụ án "Hiệu trưởng mua dâm học trò" khoảng 1 năm về trước, đến nay chưa kết thúc, và vẫn làm nhức nhối trong dư luận xã hội mỗi khi ai đó nghĩ về câu chuyện này.Khi một loạt những tên tuổi khác liên quan đến vụ mua bán dâm của thầy Xương được hé lộ.

Trước đó, một số em học sinh có độ tuổi 13-16 trong diện nghi là nạn nhân được công an huyện Vị Xuyên đưa đi giám định pháp y thì hầu hết đều cho kết quả: tổn thương vùng kín, rách màng trinh.

4. “Cấm cửa” sinh viên tốt nghiệp tại chức vào cơ quan nhà nước



Sinh viên hệ vừa học vừa làm sẽ không được dự tuyển vào cơ quan nhà nước (Ảnh minh hoạ)


UBND TP Đà Nẵng có chủ trương không tiếp nhận những sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước tại Đà Năng.

Theo ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, quy định này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Mặt khác, hiện nguồn nhân lực đang được đào tạo bằng kinh phí của thành phố vẫn chưa bố trí hết. Tuy nhiên, chủ trương này đã gây nhiều tranh cãi. Song đây chính là lời cảnh báo về chất lượng đào tạo tại chức.

5. Trắng đêm xếp hàng xin cho con học



Trắng đêm xếp hàng để đăng ký cho con học tại trường mầm non Thanh Xuân Bắc (Ảnh Dân Trí)

Vào những ngày đầu tháng 7, khi các trường mầm non trên cả nước bắt đầu nhận hồ sơ vào nhập học cho các bé chuẩn bị đến trường. 8h sáng bắt đầu nhận hồ sơ song rất nhiều người đã phải xếp hàng suốt đêm qua, chờ làm thủ tục cho con những trường hợp này chủ yều là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chính Minh, Đà Nẵng…

Tại Hà Nội hàng ngàn người đã trắng đêm xếp hàng xin học mầm non cho con tại một số trường, trong đó nỗi bật nhất là Trường mầm non Thanh Xuân Bắc, Hà Nội.

Chỉ tiêu của nhà trường thì ít, trong khi nhu cầu của phụ huynh lại quá nhiều. Bởi vậy, mới 1-2 giờ sáng, hàng chục phụ huynh đã tới trước cổng trường ngồi chờ. Sau đó, họ lập một danh sách theo thứ tự từ người đến đầu tiên đến hết để gửi cho nhà trường. Nhà trường sẽ căn cứ vào đó mà bán hồ sơ. Tuy nhiên, những phụ huynh đến sau không chấp nhận phương án này vì như vậy chắc chắn là họ không có cơ hội mua hồ sơ. Sự việc ngày càng diễn biến phức tạp nên Ban giám hiệu Trường Mầm non Sơn Ca 5 đã “cầu cứu” UBND P.Tân Chánh Hiệp và Phòng GD-ĐT Q.12. Cuối cùng đã đưa ra giải pháp bốc thăm, ai trúng thăm thì được mua hồ sơ. Kết quả có hơn 70 phụ huynh tham gia bốc thăm nhưng chỉ có 25 bộ hồ sơ được bán ra…

6. Đầu tư 23.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống trường chuyên


Đầu tư vào xây dựng hệ thống trường chuyên (Ảnh minh hoạ)

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng.Đề án sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2010 đến 2015; giai đoạn 2, từ năm 2015 - 2020. Đến năm 2015 dự kiến 100% các trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm có chất lượng ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế...

Dự kiến hơn 1.600 tỷ đồng sẽ được sử dụng để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; hơn 600 tỷ đồng để phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; hơn 27 tỷ đồng để phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục. Đề án cũng đưa các giải pháp thực hiện như ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/học sinh, các trường đều có đủ phòng học 2 buổi/ngày, có hội trường, nhà tập đa năng.

7. Việt Nam có 3 trường vào top 1.000 đại học kinh doanh tốt nhất



Việt Nam có 3 trường lọt vào top 1.000 trường kinh doanh tốt nhất (Ảnh minh hoạ)

Sau khi phân tích hơn 4.000 trường đại học chuyên ngành quản lý và quản trị kinh doanh trên thế giới, 1.000 trường kinh doanh tốt nhất được lựa chọn và Việt Nam cũng có 3 trường nằm trong danh sách này.

Bảng xếp hạng thường niên trên vừa được trang Eduniversal công bố, dựa trên kết quả phân tích của Ủy ban Khoa học Quốc tế ở hơn 4.000 trường đại học chuyên ngành quản lý và quản trị kinh doanh.

Ở Việt Nam, khoa Quản trị Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) dẫn đầu với 112 phiếu bầu, ĐH Kinh tế TP HCM được 58 phiếu và Trung tâm Pháp Việt đào tạo về quản lý (CFVG) được 54 phiếu.

8. Cô giáo văng tục ngay tại lớp học



Cô giáo văng tục với học trò trong lớp ở Hải Phòng (Ảnh lấy từ internet)


Ngày 3/12, trên mạng xuất hiện clip một cô giáo bị đám học trò vây quanh xin điểm. Với bằng giọng bực bội, cô giáo kiên quyết "tôi còn lâu mới tha lớp này".

Khi cúi xuống cho điểm thì bị đám học trò nam nữ nhốn nháo vây xung quanh khiến cô phải quát lên "đi ra hết". Song nhóm nam sinh vẫn nài nỉ "cho 10 đi cô". Vừa nói, một số vừa chỉ tay vào sổ điểm khiến cô giáo phải hét lên "buông tay, buông tay ra".

Cô giáo văng tục với học trò trong lớp được xác định là cô Hoàng Thị Ngọc, cán bộ ĐH Y Hải Phòng. Ngoài công tác chuyên môn tại ĐH Y, cô Ngọc còn là giáo viên thỉnh giảng, Trưởng bộ môn Tin của trường THPT Hàng hải.

9. Nữ sinh tự tử vì thầy hiệu phó tống tình



Thầy giáo ép nữ sinh vào nhà nghỉ (Ảnh 24h)

Dư luận ở Vĩnh Phúc đang xôn xao về việc một thầy giáo ép nữ sinh lớp 11 đi hát karaoke, uống bia rượu. Sự việc khiến cô bé hoảng loạn và uống thuốc ngủ tự tử đúng ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua. Ông Nguyễn Văn Huân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bến Tre, Phúc Yên, Vĩnh Phúc - bị tố cáo đưa em T.H vào nhà nghỉ để thực hiện hành vi đồi bại.

Sau sự việc xẩy ra thầy Huân đã thừa nhận việc làm của mình "Chúng tôi lên phòng, tôi đã cởi quần áo em H ra... Tôi chủ động làm việc này, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm", thầy giáo bị nữ sinh tố tống tình viết và ký tên.

10. Các trường đại học ngoài công lập thiếu chỉ tiêu đào tạo

Trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua nhiều trường đại học ngoài công lập đã chật vật trong công tác tuyển sinh, thiều chỉ tiêu đào tạo, một số trường đã phải hủy bỏ mã ngành đào tạo.

Theo thống kê từ các trường ngoài công lập, dù được phép kéo dài thời gian tuyển sinh nhưng dường như việc gia hạn không giúp các trường tuyển thêm được vì đã quá muộn và nguồn tuyển cũng không còn. Thậm chí, trong thời gian nới hạn, có trường không có thêm được một hồ sơ xét tuyển nào và có trường ngoài công lập tuyển cố gắng lắm chỉ tuyển được 1/3 chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với năm học tới, các trường tuyển không đủ chỉ tiêu sẽ bị cắt giảm bớt chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình đào tạo thực tế.

Phan Chính

Không có nhận xét nào: