Chuyện nước thời nay
Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-12-21
Hồi thời tiền chiến, qua bài Quanh Quẩn, nhà thơ Huy Cận đã bày tỏ tâm trạng của mình rằng: Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu. Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người...
Tâm trạng “Đời nhạt tẻ như tàu không đổi chuyến” ấy của nhà thơ Huy Cận hồi thời đó không biết có làm cho người đời nay trong nước liên tưởng đến những khuôn mặt cũ tiếp tục nằm ở vị trí lãnh đạo đất nước VN hay không.
Ban chấp hành mới
Hôm 16 tháng 12 vừa rồi, mạng Dow Jones cho biết Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng thêm một nhiệm kỳ thủ tướng nữa, ủng hộ ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư Trung ương, sẽ giữ chức chủ tịch nước, ông Phạm Quang Nghị, bí thư Thành Uỷ Hà Nội, sẽ giữ chức Chủ tịch Quốc Hội, và nhất là tiến cử đương kim chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng lên giữ chức tổng bí thư đảng.
Theo Bùi Tín Blog thì ông Nguyễn Phú Trọng, 67 tuổi, được ủng hộ vào chức vụ quyền lực nhất nước này là do ý của TQ, cho dù 1 hội nghị của Bộ chính trị quyết định những nhân vật từ 66 tuổi trở lên sẽ không được ở lại trong Bộ chính trị. Blogger Bùi Tín cho biết thêm:
"Đây là khung lãnh đạo mà Hội nghị Trung ương lần thứ 14 bàn bạc định đưa ra Đại hội đảng lần thứ 11 sắp sửa nhóm họp vào ngày 12 tháng giêng sắp tới. Vị trí quan trọng nhất người ta giằng co nhau là vị trí Tổng bí thư Đảng. Vị trí này đã được bỏ phiếu thăm dò từ Hội nghị Trung ương lần thứ 12, rồi 13, mà vẫn chưa ngã ngũ. Trong hội nghị trung ương lần thứ 13 hồi tháng trước, người ta có ý kiến rằng Tổng bí thư có thể là ông Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng người ta thấy ông Nguyễn Phú Trọng cao tuổi rồi, tức 67 tuổi, nên họ định đưa ông Trương Tấn Sang lên. Nhưng khi thăm dò thì thấy ông Trương Tấn Sang không được đa số hậu thuẫn, dẫn tới ý kiến cho rằng có thể ông Phạm Quang Nghị hay Hồ Đức Việt được chọn. Nhưng những ông này đều không được quá bán ủng hộ. Nên đến Hội nghị Trung ương 14 này, người ta mới quay lại với ông Nguyễn Phú Trọng.
Chọn ông Nguyễn Phú Trọng thì trong nội bộ đảng, người ta không vui lòng lắm vì ông này vừa cao tuổi lại vừa hết sức bảo thủ.
Blogger Bùi Tín
Tin từ Hà Nội rò rỉ ra ngoài cho biết là sở dĩ ông Nguyễn Phú Trọng được “chấm” vào chức Tổng Bí thư là vì sau khi có sự ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng vào chức vụ chóp bu này, nhưng Bắc Kinh lại “mặn mà” hơn với ông Nguyễn Phú Trọng. Do đó sự lựa chọn người làm Tổng bí thư đảng CSVN là sự lựa chọn từ Bắc Kinh, mặc dù ông Trọng quá cao tuổi và hội nghị Bộ chính trị có quyết định người nào từ 66 tuổi trở lên sẽ không được ở lại Bộ chính trị. Chọn ông Nguyễn Phú Trọng thì trong nội bộ đảng, người ta không vui lòng lắm vì ông này vừa cao tuổi lại vừa hết sức bảo thủ."
Blogger Bùi tín nhân tiện cho biết thêm về khuynh hướng bảo thủ kiên định của nhân vật có triển vọng nắm giữ chức vụ chóp bu của VN.
"Người ta đặt tên ông Nguyễn Phú Trọng là ông “Trọng Lú” khi ông ta còn là Bí thư Thành Uỷ Hà Nội. Nhưng sau này người ta gọi ông ấy là ông “4 kiên định”, tức kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định chế độ độc đảng và kiên định kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Về 4 kiên định này, thì 22 nhà trí thức đảng viên hàng đầu đã bác bỏ toàn bộ 4 kiên định đó. Theo họ thì cần phải bác bỏ hẳn chủ nghĩa Mắc-Lênin vốn đã phá sản và lỗi thời rồi. Cần phải gạt bỏ chủ nghĩa xã hội.
Nhiều người cũng cho rằng chế độ độc đảng bây giờ, khi hội nhập với thế giới, thì riêng VN cùng một số nước như Cuba, TQ, Lybia, Sudan…bị xếp vào các nước độc đoán, không có dân chủ. Cho nên vấn đề là phải thực hiện chế độ dân chủ đa nguyên. Do đó người ta bác cả 4 kiên định của ông Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng sắp làm Tổng bí thư, chủ trương 4 kiên định đó vốn bị phá sản hoàn toàn rồi. Đó la lý do người ta thấy nhân vật Nguyễn Phú Trọng là chán nhất."
Cơ chế chính trị
Nhắc tới chức tổng bí thư đảng, blog Hoàng Quang phổ biến nguyện vọng của nhà văn Trần Kỳ Trung về việc bầu Tổng bí thư. Nhà văn Trần Kỳ Trung giả sử rằng nếu ông là đại biểu dự đại hội đảng và được phép bầu Tổng bí thư Đảng, thì ông “không cần đắn đo suy nghĩ, cứ trả lời ngay” rằng:"Điều đầu tiên, theo tôi, người ấy phải trẻ tầm khoảng trên bốn mươi tuổi như Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp, Tổng thống Nga…Tất nhiên, đã ở tuổi như vậy phải có sức khỏe… Có như vậy, khi có điều kiện, ông Tổng bí thư sẽ lội bộ xuống thăm những nơi bị lụt, bị hạn, thậm chí cả nơi đang bị phá rừng…chỉ đạo trực tiếp, tiếng nói của Đảng thuyết phục. Không thể vin vào nhiều việc, hoặc do tình hình sức khỏe không đảm bảo để xuống cơ sở như kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” hay cho quay phim, chụp ảnh đánh bóng cá nhân …
Điều thứ hai, ông Tổng bí thư phải có trình độ, tất nhiên biết ngoại ngữ thì quá tốt, nhưng đã là Tổng bí thư có tài ứng phó, quyết đoán, phản ứng nhanh nhậy, chính xác những vấn đề liên quan đến vận mệnh của dân tộc, chứ không phải riêng cho Đảng. Một điều nữa, nếu bầu một ông lên chức Tổng bí thư, dứt khoát phải bầu một Ông thực sự yêu nước, chứ không phải chỉ yêu riêng Đảng…
Nếu tôi được phép bầu Tổng Bí Thư Đảng, tôi sẽ bầu một ông biết lắng nghe những ý kiến phản biện, nhất là những ý kiến phản biện của những trí thức yêu nước trong nước… Tôi sẽ bầu một người làm Tổng bí thư với điều kiện, người đó yêu cầu Đảng tuy nắm vị trí lãnh đạo nhưng không được vượt quá quyền Quốc Hội, không đứng trên Quốc Hội.
Nếu tôi được phép bầu Tổng Bí Thư Đảng, tôi sẽ bầu một ông biết lắng nghe những ý kiến phản biện, nhất là những ý kiến phản biện của những trí thức yêu nước trong nước…
Nhà văn Trần Kỳ Trung
Nếu có quyền bầu Tổng bí thư, tôi sẽ bầu một người, nếu người đó, bằng tài năng và đức độ của mình, hứa với toàn thể quốc dân đồng bào khi nhậm chức, trong một nhiệm kỳ, Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ triệt thoái nạn tham nhũng, chưa thể toàn xã hội, thì trong Đảng, những người Đảng Viên đang nắm chức quyền sẽ không tham nhũng. Nếu còn Đảng Viên có chức, có quyền tham nhũng, là Tổng bí thư, người chịu trách nhiệm cao nhất trong Đảng, tuyên bố công khai trước các Đảng Viên, trước quốc dân đồng bào, xin từ chức…"
Blog Hoàng Quang cho biết rằng “….đọc bài blog của nhà văn Trần Kỳ Trung, tôi không biết ông là ai, nhưng đoán ông cũng như đa số dân VN ngày nay cứ hễ nghĩ đến một cuộc bầu bán về nhà nước VN là có sự thay đổi nhân sự trong đảng CSVN hay ngược lại. Và sự suy nghĩ này đã do đảng CSVN cố tình gây ra để gieo vào đầu người dân một sự suy nghĩ rất tai hại, nhà nước là đảng, đảng là nhà nước (chính phủ), và chống lại bất cứ sự bầu bán nào của đảng cũng là chống lại nhà nước.
Cho nên chỉ có ở mấy nước cộng sản, đảng trị thì mới xảy ra chuyện tốn tiền này, gánh trên lưng dân thêm một lần nữa, chọn lựa chính phủ, Quốc hội chán phải cưu mang thêm cái vụ bầu ông Tổng bí thư vớ vẩn nào đó. Rồi lại phải nhìn vào ông Tổng đó để đoán vận mệnh Tổ Quốc VN, thế mà không nhận là đảng trị mà lại bảo là chính quyền của Nhân Dân. Ngày nào người dân viết được mơ ước như nhà văn để chỉ dành cho một ông Thủ Tướng hay Tổng Thống thì mới tiến được một bước tới nền dân chủ, chứ còn mơ một ông Tổng bí thư đảng thì còn chưa khá được.”
Theo blogger Bùi Tín, cơ chế chính trị VN hiện nay “rất lộn xộn” khiến chưa bầu Quốc Hội mới mà lại diễn ra cảnh chia nhau ghế của Nhà nước rồi:
"Có điều trớ trêu là Quốc Hội mới phải tới tháng Tư, tháng Năm sang năm mới bầu, và sau khi được bầu rồi thì Quốc Hội này mới bầu ra chủ tịch và phó Chủ tịch Quốc Hội. Và sau đó mới cử ra Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ. Bây giờ mới có cuối năm, chưa bàn gì về bầu cử Quốc Hội mà Hội nghị Trung ương đã phân công trước sang năm ai sẽ là Chủ tịch nước, ai sẽ là Chủ tịch Quốc hội, ai sẽ là Thủ tướng. Điều đó cho thấy rằng cơ chế chính trị VN hiện nay lộn xộn lắm.
Dân chi tiền bầu cử cho một chính phủ để phục vụ họ chứ có phải chi tiền để cho cái đảng nào đó phục vụ cho mấy đảng viên của họ đâu.
Nhà văn Trần Kỳ Trung
Bởi vì Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đâu ai có quyền cao hơn nữa. Nhưng Hội nghị Trung ương của Đảng, Bộ chính trị của Đảng lại bàn đến các chức vụ của Nhà nước, của Quốc Hội. Điều này cho thấy cơ chế chính trị trái với hiến pháp. Vì Hiến pháp quy định rõ Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Và Quốc Hội mới chưa bầu, chưa họp mà lại có tình trạng chia nhau ghế của nhà nước rồi!"
Nhắc đến Bộ chính trị, Blog Dân Làm Báo có bài của Nangchangchang với đoạn kết rằng:
"Thực ra, các ông có gì đâu ngoài cái “xác phàm” ấy. Nguyên thủ các nước sau một nhiệm kỳ là thần sắc thay đổi hẳn, đầu kỳ trai tráng, cuối kỳ xác xơ. Còn các ông thì ngược lại, đầu kỳ vàng vọt, cuối kỳ bảnh bao béo tốt, gần bảy chục tuổi hết mà không thấy một sợi tóc bạc trên đầu, mái tóc lúc nào cũng đen nhánh, chải chuốt, xịt keo bóng mượt.
Chẳng biết có phải các ông “hồi xuân” do bổng lộc quá nhiều hay do nhuộm tóc đen thành “trai tráng phong độ”. Nhưng phong độ để mà làm gì? Vậy mà bao nhiêu năm trời 86 triệu dân lại ngoan ngoãn phục tùng “chiếu chỉ” của các ông mà không hiểu tại sao? Ủy viên Bộ Chính trị là tinh hoa hay đại họa của nước Việt?"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét