Đã đến lúc cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam?
Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2010-12-22
Trước các kỳ ĐH đảng, BCH Trung ương Đảng thường đưa ra các dự thảo văn kiện như báo cáo chính trị, cương lĩnh xây dựng đất nước…để lấy ý kiến của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và dân chúng.
Người ta cho rằng, các ý kiến đóng ý đó sẽ được tổng hợp lại và trình lên Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, và đảng dựa vào các ý kiến đóng góp này để chỉnh sửa các văn kiện, sau đó sẽ ra nghị quyết, thực hiện các chủ trương của đảng đề ra.
Đó là về mặt lý thuyết, thế nhưng trên thực tế, các ý kiến đóng góp này rất khó có thể thay đổi các dự thảo văn kiện của BCH Trung ương Đảng, hoặc ngay cả có thay đổi, được đưa vào nghị quyết, không có gì bảo đảm rằng đảng sẽ thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải “luật hóa” sự lãnh đạo của đảng, và đảng cũng như bất kỳ tổ chức nào khác, đều phải chịu sự chế tài của luật pháp; đảng không thể đứng trên pháp luật. Ngọc Trân trình bày tiếp.
Đảng chỉ “nói mà không làm”!
Tại hội thảo góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội XI hôm 7 tháng 10, TS Lê Đăng Doanh nói rằng, nhiều nội dung đề ra trong nghị quyết Đại hội Đảng ở các khóa trước, đảng đã không thực hiện. Ông Doanh phát biểu: “Cần phải có sự kiểm điểm nghiêm túc việc thực hiện các nội dung đã ghi trong nghị quyết Đại hội IX, Đại hội X. Bây giờ kiểm điểm lại thì thấy tất cả các nội dung liên quan đến việc phát huy quyền dân chủ của người dân, đều đã không thực hiện. Và điều này chắc chắn không phải là một sự tình cờ.
Bây giờ kiểm điểm lại thì thấy tất cả các nội dung liên quan đến việc phát huy quyền dân chủ của người dân, đều đã không thực hiện.
TS Lê Đăng Doanh
Một là luật về hội, hai là luật về quyền tiếp cận thông tin của công dân, đã có ghi nhưng không thực hiện. Thứ ba, luật về toà án, hiến pháp, không làm. Thứ tư, luật về trưng cầu dân ý, không làm. Và có quy định là phải phát huy sự giám sát của dân đối với đảng, chả thấy phát huy gì cả. Và nhất là tất cả các chuyện kia, ai mà có ý kiến thì lập tức bị săm soi, dùng các công cụ này khác hạn chế v.v…”
Tổng Bí thư Đảng CSVN tuyên bố rằng, đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về toàn bộ hoạt động của đảng. Ông Nông Đức Mạnh đã nói: “Là Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trở thành Đảng cầm quyền hơn 60 năm qua. Đảng ta phải làm tròn sứ mệnh lãnh đạo do nhân dân giao phó và chịu trách nhiệm trước nhân dân về toàn bộ hoạt động của mình trong việc thực hiện sứ mệnh đó”.Mặc dù chính Đảng CSVN đã đề ra các chủ trương, đường lối, cương lĩnh, nghị quyết…mà không thực hiện, thế nhưng đảng chỉ chịu trách nhiệm trước nhân dân bằng những lời nói suông. TS Lê Đăng Doanh nói tiếp: “Bây giờ, một cái đảng mà đến nghị quyết đại hội cũng không thực hiện. Thế thì bây giờ sẽ đi đến đâu? Sắp tới đây sẽ như thế nào? Và đấy là cái điều, theo tôi là phải có sự kiểm điểm hết sức là nghiêm túc, bởi vì rằng là đã đang Đại hội là cao nhất rồi, mà sau đó rất là lặng lẽ, thản nhiên, coi như cái điều này là không phù hợp.
Thí dụ như, Viện KHXH đã nhiều lần trình ra bản về ‘quy chế dân chủ trong nghiên cứu khoa học’, thì có một câu xanh rờn, làm gì có cái chuyện này? Dẹp! Thế thì thôi, chả ai có ý kiến gì cả. Ở đây có mấy anh em cũng đã tham gia vào tiết mục ấy, lặng lẽ rút về cả, chẳng có ý kiến gì cả. Thế thì, tương lai trong đợt sắp tới này, có quy chế gì không? Tức là đảng cũng phải có quy chế về việc BCH Trung ương có thực hiện một cách nghiêm túc hay không chứ”?
“Phải cải cách thể chế chính trị”!
Cũng tại hội thảo góp ý cho văn kiện Đại hội XI, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, cùng các vị nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, cho rằng, nên cải cách thể chế chính trị song song với đổi mới kinh tế.
Ông Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng ĐH kinh tế, góp ý kiến: “Thể chế không dừng lại là chỉ thể chế kinh tế thị trường, cái điều đó đúng nhưng không phải chỉ có nó mà còn thể chế dân chủ và pháp quyền nữa chứ và nói chung lại là thể chế là sự cải cách chính trị. Chúng ta đổi mới tiếp tục, cái chiến lược này phải thể hiện tinh thần đổi mới tiếp tục, không phải chỉ đổi mới kinh tế mà đổi mới chính trị. Và thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nói điều này. Fidel Castro ở Cuba gần đây đã nói cái điều mà chúng tôi mong muốn hết sức mà Việt Nam chưa có những tiếng nói đó”.
Tiếp theo ý kiến của ông Đào Công Tiến, ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ VN tại Thái Lan đề nghị, đảng nên đưa ra nghị quyết sửa đổi hiến pháp:
Liên quan đến vấn đề thể chế, GS Trần Phương nhận định: “Cuối cùng là Đảng làm hết, mà Đảng không chịu trách nhiệm. Ông quyết đủ mọi thứ nhưng ông có chịu trách nhiệm trước dân đâu, mà dân có bầu ông ra đâu nhỉ? Cho nên Đảng làm gì, đó là một đại vấn đề. Nhà nước làm gì, cũng là một đại vấn đề đấy”.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải có sự giám sát bên trong lãnh đạo đảng: “Cần phải có cái sự giám sát từ trong Đảng. Quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, đối với nhà nước phải làm rõ ràng, nếu không không có được cái sự tiến bộ này thì thực chất chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu cả”.
Cùng ý kiến với TS Lê Đăng Doanh, TS Lưu Bích Hồ cho rằng, đảng không thể đứng trên pháp luật: “Có đồng chí đề nghị, có luật về đảng, sự lãnh đạo của đảng. Đảng và nhà nước ta là pháp quyền, đảng không thể đứng trên pháp luật được. Đảng phải đứng trong pháp luật. Đảng lãnh đạo, nhưng đảng phải đứng trong, chứ không đứng trên pháp luật”.
GS Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, cho rằng, cần phải thay đổi thể chế chính trị. Ông Nguyễn Mại phát biểu: “Đã đến lúc chúng ta không thể không đương đầu với đổi mới về chính trị. Tôi đồng ý với anh Trung, không phải đa nguyên đa đảng, nhưng rõ ràng là toàn bộ cái thể chế chính trị hiện nay là không đảm bảo cho phát triển kinh tế trong tương lai. Vì vậy phải đổi mới một cách cơ bản từ việc vào đảng, từ việc quản lý của nhà nước”.
...rõ ràng là toàn bộ cái thể chế chính trị hiện nay là không đảm bảo cho phát triển kinh tế trong tương lai.
GS Nguyễn Mại
“Không thể không có đổi mới chính trị. Rõ ràng là vai trò quản lý của nhà nước, vai trò Quốc hội, thì rõ ràng là các đồng chí đã nói Quốc hội hiện nay chưa phải là cơ quan lập pháp đúng nghĩa của nó, bởi vì toàn bộ luật Quốc hội chỉ rất chung chung. Cơ quan lập pháp chính là chính phủ, chính là Thông tư các bộ. Cho nên phải đổi mới, biến Quốc hội ít nhất thành một cơ quan chủ yếu là lập pháp, và cái chức năng này phải được thay đổi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét