Làm Thứ trưởng, bây giờ mình nói cái gì cũng có cái khó. Là người trong cuộc rồi, mình phải lắng nghe để thực hiện nhiều hơn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Tiến Dĩnh bộc bạch.
Vị cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho hay ông ủng hộ việc ban hành Luật Thủ đô:
ĐBQH Nguyễn Tiến Dĩnh (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Ngày xưa quản lý hộ khẩu chặt lắm, nhập khẩu vào Hà Nội không phải đơn giản, thậm chí người Hà Nội đi công tác nơi khác nhập về còn khó. Tất cả các thủ tục "ăn theo" hộ khẩu bây giờ đã giảm rồi nhưng vẫn phải có hộ khẩu để hạn chế việc di cư tự do. Nhờ có hộ khẩu mới quản lý được tình trạng nhập cư tràn lan.
Hiện nay, trên thế giới đúng là đa phần không cần hộ khẩu nữa, nhưng trong điều kiện ở Việt Nam thì còn phải phụ thuộc vào trình độ quản lý, điều kiện cơ sở vật chất.
Đến lúc nào đó mình có điều kiện, khả năng, biện pháp khác để quản lý được hoặc người dân ở các tỉnh không thi nhau kéo về Hà Nội nữa thì mình sẽ không dùng hộ khẩu nữa.
Theo Luật cư trú thì tôi có quyền tự do cư trú, quyền có nhà ở nhưng nếu thế thì cũng gay lắm. Khi mà trình độ quản lý cũng như điều kiện hạ tầng kỹ thuật quá tải, chưa đáp ứng được chất lượng sống như hiện nay mà cứ cho dân ngoại tỉnh tự do vào thành phố thì không ổn, rồi dân lại kêu thành phố nhếch nhác, rồi bảo do quản lý kém.
Đương nhiên cũng phải thừa nhận là có quản lý kém, nhưng ai làm cũng thế thôi. Thành thực là bất cứ ai làm lãnh đạo Hà Nội thì với những trói buộc về cơ chế như hiện nay, cũng khó có những đột phá.
Cả nước chỉ có một Thủ đô, rõ ràng là Hà Nội cần những cơ chế ưu tiên đặc thù, còn đặc thù đến đâu, giới hạn thế nào để vẫn đảm bảo được quyền công dân thì lại là chuyện khác.
Không thể đọc hết tài liệu
Từ lúc nhậm chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hình như ông không mấy khi phát biểu ở Quốc hội nữa?
Đúng là năm vừa qua tôi ít phát biểu do một số buổi bận đi công tác. Hơn nữa, thực ra cũng khó bởi vì với vai Thứ trưởng Bộ Nội vụ, bây giờ mình nói cái gì cũng có cái khó.
Ngày xưa khi còn công tác bên Liên đoàn Lao động thành phố thì khác, mình có thể đi góp ý cho người khác, cho Chính phủ. Còn bây giờ là người trong cuộc rồi, mình phải lắng nghe để thực hiện nhiều hơn.
Nhưng mà đương nhiên có chỗ nào cần thiết thì mình vẫn đóng góp chứ không phải lúc nào cũng im lặng.
Ngày trước, trong đoàn Hà Nội tôi hay được phân công phát biểu về các vấn đề kinh tế nhưng bây giờ sang công tác ở Bộ Nội vụ rồi thì chịu, không nói được nữa vì dù sao thì cũng là người của Chính phủ. Nếu góp ý cái gì đó thì cũng chính là góp cho mình.
Cũng có lúc đóng góp cho luật này, luật kia, nhưng một điều tôi cũng phải thú thực là mỗi kỳ họp tôi khó có thể nào đọc được hết tài liệu cung cấp cho các đại biểu.
Mỗi kỳ thảo luận 7 - 8 luật, may lắm tôi tham gia góp ý được 2 luật, vì muốn phát biểu thì phải nghiên cứu sâu, phải đọc kỹ, tham khảo tài liệu, ý kiến, trong khi công việc ở Bộ cũng rất bận rồi.
ĐBQH Nguyễn Tiến Dĩnh (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Vậy ông bố trí thời gian cho các hoạt động của Quốc hội như đi giám sát, tiếp xúc cử tri như thế nào?
Đúng là về nguyên tắc, ĐBQH phải dành ít nhất 30% thời gian cho hoạt động của Quốc hội nhưng nói như thế cũng tùy từng thời điểm thôi.
Nhiều khi mình đang định đi họp Quốc hội mà Bộ trưởng phân công công việc, đành phải xin phép vắng hoặc nghỉ những hoạt động bên Quốc hội, không có cách nào khác vì đây là cơ quan công tác chuyên môn trực tiếp của mình
Còn việc đi giám sát, tiếp xúc cử tri, tôi phải đảm bảo, trừ trường hợp đi nước ngoài.
Tôi cũng có có tham gia hoạt động của UB Tài chính - Ngân sách. Năm 2008 tôi đi giám sát khá đầy đủ, còn 2009 thì bận quá nên không tham gia được mấy.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Lương thứ trưởng cũng chỉ 5 triệu
Ở Bộ Nội vụ, ông phụ trách mảng cải cách hành chính. Cá nhân ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng bộ máy của chúng ta đang càng ngày càng phình ra?
Phình ra ở đây là viên chức chứ không phải công chức. Tôi nghĩ là bây giờ chúng ta phải phân biệt, phải tách riêng ra hai khái niệm viên chức và công chức, nay mai cũng sẽ có Luật công chức và viên chức riêng.
Công chức là người làm công ăn lương trong các cơ quan hành chính nhà nước. Còn viên chức cũng là người làm công ăn lương nhưng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục...
Đội ngũ viên chức hiện nay số lượng khoảng mấy triệu nhưng công chức chỉ có khoảng 500.000 thôi.
Viên chức vì làm trong các đơn vị sự nghiệp nên có nhiều nguồn thu, có thể lấy thêm các nguồn đó để bù vào lương chứ công chức làm ở trong các cơ quan hành chính nhà nước thì không có các nguồn thu đó.
Đặc biệt là những cán bộ ngành như là các cơ quan hoạch định chính sách bấy lâu nay ít được để ý, lương vẫn còn thấp. Ngay lương cấp thứ trưởng như tôi cũng chỉ có 5 triệu đồng mỗi tháng, nên nếu tăng lương thì cần phải tập trung tăng cho công chức trước để góp phần đảm bảo đời sống cho họ yên tâm làm việc.
Ông có ý định tiếp tục tham gia Quốc hội thêm một khóa nữa không?
Không, chắc là khó vì nó phụ thuộc vào vị trí và cơ cấu, khóa trước mình ứng cử là của Hà Nội, bây giờ sang Bộ rồi thì không ai để 2 người.
Quốc hội của chúng là vẫn chủ yếu là cơ cấu mà. Trừ 25% đến 35% là đại biểu chuyên trách, nhưng ngay cả chuyên trách cũng có cơ cấu, chưa nói đến 70% kia là cơ cấu của các địa phương, ban ngành.
- Cao Nhật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét