Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Thương tiếc thầy Nguyễn Tài Cẩn

Thương tiếc thầy Nguyễn Tài Cẩn

Trong tôi vẫn thường trực một niềm tin mơ hồ, ngây thơ là Thầy sẽ thọ tròn thế kỷ như Thầy Trần Văn Giầu. Nhưng bây giờ thì Thầy đã đi rồi. Đi thật rồi.

Tin Thầy Nguyễn Tài Cẩn qua đời đến với tôi đêm qua, trên đường từ Lào Cai về Hà Nội. GS Nguyễn Văn Hiệp, phó chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐHKH xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội, gọi điện cho tôi ngay khi vừa hay tin dữ. Cả hai chúng tôi cùng lặng đi. Thầy đã 86 tuổi ta, nhưng có lẽ chẳng mấy ai trong anh em chúng tôi nghĩ Thầy sẽ ra đi. Có thể đó là tâm lý chung khi nghĩ về những người thân, nhất là về những người vẫn còn đang viết rất đều, rất nhiều, rất sắc như Thầy Cẩn. Cuối năm ngoái, Thầy vẫn còn gửi qua mail cho tôi mấy bài viết mới. Trong tôi vẫn thường trực một niềm tin mơ hồ, ngây thơ là Thầy sẽ thọ tròn thế kỷ như Thầy Trần Văn Giầu. Nhưng bây giờ thì Thầy đã đi rồi. Đi thật rồi. Bộ óc uyên bác của Thầy đã vĩnh viễn ngừng sáng tạo. Thế hệ chúng tôi cũng như mai sau đành chịu thiệt thòi vì kho trí tuệ khổng lồ ấy không còn mở cho đời nhận thêm một báu vật nào nữa.

Đối với tôi, Thầy là người có ảnh hưởng lớn nhất, quyết định nhất trong sự nghiệp khoa học. Nhớ năm tôi vào đại học (1965), lần đầu tiên, Khoa Ngữ văn chia sinh viên thành hai ban Ngữ và Văn ngay từ năm thứ nhất. Ngành Văn cử GS Đinh Gia Khánh, còn ngành Ngữ cử GS Nguyễn Tài Cẩn đến thuyết trình với sinh viên về ngành nghề. Tôi bị Thầy Cẩn hút hồn nên quyết định chọn chuyên ngành Ngôn ngữ học. Quyết định như vậy nhưng là người mê sáng tác nên mãi những năm học sau này, tôi vẫn còn băn khoăn. Biết tâm trạng tôi, có lần, Thầy gọi tôi đến, bảo: "Đối với những người sớm bộc lộ tài năng như ông Phan Tứ (nhà văn Phan Tứ, tức Lê Khâm, trước khi vào học Đại học Tổng hợp đã có hai tác phẩm nổi tiếng là Trước giờ nổ súngBên kia biên giới) thì dù có chọn chuyên ngành Ngôn ngữ học, tôi cũng khuyên nên tiếp tục theo đuổi nghiệp văn chương. Còn ông (Thầy thường gọi "đệ tử" như vậy), ông phải tự đánh giá mình cho chính xác - Ông thích viết văn là do nhiệt huyết của tuổi trẻ hay thực sự có tài năng ? Đừng như con la trong Kinh Thánh chịu chết đói và chết khát chỉ vì cứ lưỡng lự giữa bó cỏ và hồ nước, không biết chọn thứ gì." Tôi đã dứt khoát chọn chuyên ngành Ngôn ngữ học và theo đuổi nó gần 40 năm qua như thế.

GS Nguyễn Tài Cẩn đối chiếu một bản Truyện Kiều mới phát hiện tại Khu lưu niệm Nguyễn Du (đầu năm 2009). Ảnh: Văn hoá Nghệ An

Cũng như nhiều thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi tự hào được làm học trò của GS Nguyễn Tài Cẩn và có thời gian làm việc cùng bộ môn với Thầy. Là một người thông kim bác cổ, GS Nguyễn Tài Cẩn đã để lại cho đời hàng loạt công trình xuất sắc về ngữ pháp, ngữ âm lịch sử, lịch sử chữ Nôm, lịch sử hình thành cách đọc Hán Việt, văn bản thơ Nguyễn Trung Ngạn, Truyện Kiều v.v... Đó là những công trình có giá trị vượt giới hạn của thời gian và biên giới quốc gia. Thầy Cẩn cũng là một nhà sư phạm có tài, có công, một diễn giả nổi tiếng hùng biện. Vị Giáo sư được Giải thưởng Hồ Chí Minh về những tác phẩm có giá trị lý luận rất cao cũng là người có biệt tài làm câu đối, thơ Đường luật và ứng tác rất nhanh. Học trò không ai dám mơ có được kiến thức sâu rộng, trí tuệ sắc sảo, tài năng hùng biện như Thầy. Đó là những thứ trời cho, và chắc vài thế hệ mới mong có một người như vậy.

Nhưng tôi học được ở Thầy lòng say mê và sự trọng thị đối với công việc. Nhiều năm làm việc với Thầy, tôi thấy dù là viết một quyển sách lớn hay một báo cáo để đọc trước cuộc sinh hoạt khoa học thường niên của bộ môn, bao giờ Thầy cũng hết sức nghiêm túc, chu toàn. Bao giờ công trình của Thầy cũng có tư liệu mới và thể hiện phương pháp tiếp cận mới. Thầy ghét nhất thói tư biện, lười biếng, qua loa. Chính vì vậy mà nhiều khoá luận của sinh viên có tư liệu mới, phát hiện mới cũng được Thầy quan tâm khảo cứu, thậm chí trích dẫn trong sách của mình.

Lúc còn ở Trường, đôi lúc nói chuyện với tôi, Thầy tỏ ý tiếc cho một số anh em đang có đà phát triển về khoa học hoặc đang làm những chuyên môn mà ngành rất cần, phải rẽ sang làm quản lý hay làm những công việc ở ngành nghề khác. Tôi hiểu đằng sau lời phàn nàn đó là sự lo lắng về việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và về tương lai của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam mà Thầy là một trong số ít người đặt nền móng. Thế rồi số phận trớ trêu, chính người được Thầy tâm sự về những lo lắng ấy lại cũng phải rẽ sang một con đường hoàn toàn xa lạ với chuyên môn của mình. Nhưng suốt từ khi tôi rẽ sang ngả khác đến giờ, không thấy Thầy nhắc nhở gì. Đôi lúc, Thầy còn động viên nữa. Tôi tự nhủ với lòng mình: Hoàn thành công việc rồi, cũng như anh lính hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi sẽ lại tập trung cho công việc chuyên môn mà thực ra suốt 9, 10 năm qua, tôi cũng chưa hề sao nhãng, mặc dù không có thời gian dành cho nó được nhiều.

Đó cũng là một cách trả ơn Thầy.

Vô cùng thương tiếc Thầy.

-----

*Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Không có nhận xét nào: