Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội bớt... "quái"

Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội bớt... "quái"
(Dân trí) - Không màn trình diễn ngẫu hứng, gây “sốc”; nhà thơ đọc vấp hay không thuộc… thơ mình; thiếu những màn giao lưu và sự không nhẫn nại của một bộ phận khán giả… khiến Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có phần kém sắc.
Như lời khẳng định của nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sự độc đáo của Ngày thơ năm nay là sự xuất hiện của vườn tượng các văn nhân tại Văn Miếu, nơi mỗi người có thể chiêm ngưỡng chân dung các nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, công chúng được thưởng thức thư pháp thơ của Bác Hồ bằng nhiều thứ tiếng, trên nhiều chất liệu khác nhau được trưng bày tại Thiên Quang Tỉnh.
Đông đảo người yêu thơ đến với lễ hội thơ

Lễ rước đất vườn Bác Hồ

Nghi thức thả thơ

Ngay khi bước qua cổng Văn Miếu, đập vào mắt người yêu thơ là không gian thơ Bác được trưng bày trang trọng. Từng tấm bìa cuốn “Nhật ký trong tù” trình bày bằng tiếng Nhật, tiếng Tami, tiếng Nga, tiếng Bồ Đào Nha… đặt ngay ngắn trên kệ. Những bức thư pháp của thơ Bác do các nhà thư pháp Trung Quốc thực hiện bày đặt bên cạnh những bia đá tiến sĩ thờ Lê Mạc. Vườn tượng của các nhà văn: Tô Hoài, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng… những người được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cũng giúp không gian trưng bày triển lãm thu hút số đông người hâm mộ.

Nét mới của lễ hội thơ năm nay còn thể hiện ở ba sân thơ chính: sân thơ truyền thống, sân thơ hiện đại và sân thơ thiếu nhi thay vì 2 sân thơ chính: “thơ già” và “thơ trẻ” như mọi năm.

Ở sân thơ truyền thống phản ánh khá rõ chủ đề của Ngày thơ Việt Nam kỳ này sẽ là Mùa xuân đất nước, kỷ niệm 100 năm chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và 70 năm Người trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, trái với vẻ trang trọng ở “sân thơ già”, “sân thơ trẻ” năm nay tỏ ra lạc lõng và thiếu sinh khí. Sân thơ thiếu nhi được tổ chức bên Hồ Văn, phía bên kia đường của khu di tích nên ít người chịu băng qua dòng xe cộ đông đúc để sang nghe các em đọc thơ. Mặc dù, có rất nhiều tên tuổi nhà thơ có nhiều năm gắn bó với tuổi thơ như: Cao Xuân Sơn, Nguyễn Thị Hường, Lê Hồng Thiện… đến và giao lưu nhưng không nhiều độc giả nhí đến với hội thơ 2011.

Sân thơ hiện đại vốn được coi là điểm nhấn của lễ hội thơ cũng tỏ ra kém lửa. Dù được thay thế cái tên “sân thơ trẻ” nhưng đối tượng của sân thơ hiện đại vẫn chưa mở rộng, ít sự hiện diện của các nhà thơ lão làng mà tâm hồn “không có tuổi” như nhà thơ Dương Tường cách đây vài năm. Chủ trương không chú trọng phô bày, nghiêng về lắng đọng, cảm xúc của ban tổ chức cũng khiến sân thơ hiện đại bớt sôi động, cảm giác của người xem cũng hẫng hụt.




Kịch tính, khó hiểu nhất là màn trình diễn của Vi Thùy Linh kết hợp với họa sĩ, nghệ sĩ đương đại Đào Anh Khánh và nghệ sĩ kèn Bảo Long

Có thể coi màn trình diễn thơ của nhà thơ Vi Thuỳ Linh với hoạ sĩ Đào Anh Khánh và nghệ sĩ kèn Bảo Long là tiết mục gây chú ý nhất. Nữ thi sĩ họ Vi rè rè đọc bài Yêu ở Rome với mong muốn mang tháp Pisa về Hà Nội trong khi đó hoạ sĩ Đào Anh Khánh mặc sức “phiêu” với điệu quằn quại uốn éo…Tuy nhiên, tiết mục này cũng không mới lạ như nhiều người đã kỳ vọng.

Bên cạnh đó, khá nhiều nhà thơ lên đọc và trình diễn nhưng lại không thuộc chính những bài thơ của mình. Không ít chủ nhân lễ hội thơ đọc lẫn, đọc vấp… khiến người xem ngao ngán…

Thời tiết đẹp năm nay xem như ủng hộ Ngày thơ Việt Nam nhưng người yêu thơ có vẻ không mặn mà với thơ lắm: chen chân đến rồi lại… vội vã ra về giữa chừng. Tiết mục cuối cùng của hội thơ - lễ thả thơ đã không còn tấp nập như mọi năm!

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 9 được diễn ra ở 4 điểm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng và Nghệ An. Tại Hà Nội, Ngày Thơ sẽ khai mạc đúng ngày Rằm tháng Giêng với 3 sân thơ: Sân thơ Thiếu nhi ở Hồ Văn, sân thơ truyền thống ở Văn Miếu, Sân thơ hiện đại ở sân Thái Học.

Riêng tại quê Bác, từ chiều 13/2 diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm đại thi hào dân tộc Nguyễn Du ở Tiên Điền. Sáng 14/2 là lễ dâng hương ở Nhà lưu niệm Kim Liên, xin đất vườn nhà Bác, khai mạc Ngày thơ ở CLB Công nhân. Đêm 14/2 là chương trình ca múa nhạc ngâm thơ đặc sắc tại quảng trường Hồ Chí Minh - TP Vinh, Nghệ An.

Nguyễn Hằng
Ảnh:N.Ý – L.Thoa

Không có nhận xét nào: