Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

Thiên tài thường… điên điên và mắc bệnh gut!

Thiên tài thường… điên điên và mắc bệnh gut!

03/03/2011 19:07:01
Các nhà khoa học Nhật Bản đã thâm nhập vào sự bí mật của thiên tài mà hàng bao nhiêu thế kỷ loài người đã cố tìm hiểu. Họ đã khám phá ra nguyên nhân của hội chứng Marfan, căn bệnh di truyền hãn hữu, chủ yếu gây thương tổn cho những người rất tài năng vì có trình độ trí tuệ siêu việt. Sự dư thừa chất Adrenalin vốn tiêu biểu đối với hội chứng này đã làm cho con người luôn ở trạng thái hưng phấn có khả năng sản sinh những năng khiếu xuất chúng.

Căn bệnh này còn được gọi là Hội chứng thiên tài. Người ta cho rằng Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln, nhà văn Đan Mạch Christian Andersen, Tổng thống Pháp Charle de Gaulle và nhà văn Nga Xô viết Kornei Chukovski đã mắc bệnh này.

Các nhà sinh học và các nhà di truyền học đều nhất trí ở một điểm là năng lực sáng tạo của con người thường gắn với vẻ ngoài của anh ta và vẻ ngoài này lại trùng khớp với những dấu hiệu của hội chứng Marfan: dáng người cao và gày, ngực lép, đôi tay to lớn một cách không cân đối với những ngón tay dài hình con nhện.

ff
"Người kể chuyện vĩ đại" Andersen với chiếc mũi "quá khổ"

Một người đương thời đã vẽ lên bức chân dung có sức biểu cảm của “Người kể chuyện vĩ đại” Andersen: “Vào giây phút đầu tiên, điều khiến tôi ngạc nhiên là vẻ xấu xí kỳ dị một cách quá đáng của khuôn mặt ông, đôi bàn tay to bè và hai cánh tay dài quá khổ đang vung vẩy… Ông cao lênh khênh, gày guộc và có tác phong cùng những động tác hết sức khác thường. Chiếc mũi của ông mang cái được gọi là kiểu dáng La Mã, nhưng quá lớn và dường như nhô hẳn ra phía trước. Thế nhưng vầng trán cao, lộ thiên của ông rất đẹp và cặp môi có những đường nét vô cùng tinh tế”.

Đồng thời, theo nhận xét của các nhà di truyền học, một đặc điểm nổi bật ở những người này là khả năng lao động phi thường, là sự say mê công việc của mình một cách điên cuồng, là khát vọng hướng tới sự hoàn thiện tuyệt đối. Thomas Edison có lý khi nói: “Thiên tài - đó là 99% lao động đến kiệt sức và 1% là trí tưởng tượng”.

Ngoài ra, những con người này còn có chung một điểm nữa là luôn bị ám ảnh bởi một cảm giác lo sợ. Andersen lúc nào cũng mường tượng thấy bệnh tật, những đám cháy, những vụ đắm tàu, bị chậm trễ, bị mất giấy tờ… Sự nhận thức được rằng tất cả những nỗi lo sợ ấy chỉ là bệnh tưởng cũng chẳng giúp đỡ được gì. Nhà văn đã sống với căn bệnh đó và sáng tác ra những truyện cổ tích thanh cao và trong sáng.

Với nhà văn Nga K.L. Chukovski thì cũng vậy. Cũng ngoại hình na ná như thế (cao lớn, tay chân dài, bàn tay to, mũi lớn, nhô ra phía trước), cũng khả năng làm việc phi thường: “Tôi suốt đời làm việc như trâu, như chiếc máy kéo! Lúc nào cũng vắt óc ra để tìm được một từ duy nhất chính xác”. Những người thân thích của ông cũng xác nhận: “Hàng ngày, ông ấy lao động đến kiệt sức, bất chấp tuổi tác, bất chấp những đêm mất ngủ mà ông ấy đã quen từ hồi trẻ”.

ff
Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln với dáng vóc lênh khênh

Những con người này có tính lập dị mà thiên hạ từ trước đến nay thường chiếu cố với nụ cười độ lượng. Chẳng hạn Bach từng khẳng định rằng ông không thể viết được một dòng nào nếu trước đó không thêu thùa.

Hoặc Subert đã cam đoan rằng ông chỉ có thể “sáng tác thứ âm nhạc thực thụ” vào ban đêm khi ngồi trên… nóc nhà. Hoặc Rimski Korsakov thậm chí không định cầm bút nếu như trước mắt không hiện ra những con tàu. Chính vì thế, để gây cảm hứng, ông đã làm rất nhiều chiếc tàu thủy nhỏ và thả chúng vào trong chiếc chậu bằng đồng.

Những tính lập dị như vậy đầy rẫy trong tiểu sử của tất cả các vĩ nhân, những người bằng sự sáng tạo của mình - bất kể trong khoa học, nghệ thuật hay trong văn học - đã làm thay đổi quan niệm của mọi người về thế giới, đã tạo nên cái quan trọng cần thiết mà thiếu nó thì lịch sử nhân loại ắt dẫm chân tại chỗ.

Những người này được gọi là thiên tài. Đôi khi họ cũng tự gọi mình như vậy. Nhà thơ Nga nửa đầu thế kỷ XX hãnh diện nói: “Tôi, Igor Severjamin, một thiên tài”.

“Về mặt đời sống tinh thần hết sức đa diện, tôi là một thiên tài vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, một thiên tài hiện đại thực thụ” – danh họa Tây Ban Nha Dali tuyên bố trong phần mở đầu cuốn “Nhật ký một thiên tài”.

Những lời tuyên bố như vậy đôi khi khiến ta cảm thấy chướng tai gai mắt, nhưng hãy nhớ lại nhận xét của Puskin: “Thiên tài là người bạn của những nghịch lý”.
dd
Van Gogh - danh họa "điên điên"

Có một điều đáng chú ý: Chính bản thân các nghệ sĩ thiên tài lại coi những điều lập dị của mình là chuyện bình thường. Danh họa Renoir đã nói về Van Gogh: “Muốn làm hội họa thì cần phải hơi điên một chút. Nhưng nếu Van Gogh là một người điên thì tôi cũng thế…”.

Về những chuyện lập dị của Van Gogh, về tính chất kì bí của những họa phẩm, người ta đã bàn tán ngay từ khi chúng vừa xuất hiện tại các cuộc triển lãm. Và lời giải thích của ông: “Những bức tranh tự đến với tôi như trong giấc mơ vậy” đã gây nên những lời đồn đại về tính lập dị của họa sĩ. Mấy tay phê bình đã viết: “Chính bản thân Van Gogh cũng không hiểu được mình, còn các bạn bè thì đôi khi lại ủng hộ các quan niệm về chàng nghệ sĩ “điên điên khùng khùng” chỉ sáng tác trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê miễn là “thể hiện được mình”. Về phương diện này, Van Gogh có những nét hao hao giống họa sĩ người Nga Mikhail Vrubel.

Theo các nhà tâm lý học, Vrubel “là một ví dụ rất đáng chú ý đối với việc nghiên cứu sự hưng phấn sáng tạo căng thẳng và bất tận”. Ông đã tỏ tình với nghệ thuật, gọi nó là “người vợ của mình” và nâng nghệ thuật lên tầm cao tôn giáo. “Em không thể hình dung nổi là anh đã hoàn toàn đắm chìm vào nghệ thuật đến mức nào” – Vrubel viết thư cho vợ - “Không một ý nghĩ nào ở bên ngoài nghệ thuật, không một ham muốn nào có thể len lỏi vào đầu anh”. Song nghệ thuật không chỉ đem lại cho ông niềm hạnh phúc – nó làm khổ, giày vò, ám ảnh ông: “Không biết đến bao giờ thì tôi mới cảm thấy mình được thanh thản trong nghệ thuật? Thế mà nó thường xuyên không hẳn là sự đe dọa, cũng không hẳn là sự nuối tiếc, là hồi ức, là niềm ao ước và rất ít, rất ít khi mang lại cho tôi những giây phút thư thái khỏe khoắn”. Lại nữa: “Niềm khao khát nói lên được một điều gì mới mẻ không chịu buông tha tôi"…

ff
Chân dung tự họa của danh họa Nga Mikhail Vrubel

Bệnh dịch của những con bệnh vĩ đại cho thấy rằng nhiều người trong số đó đã mắc chứng bệnh loạn tinh thần thao cuồng trầm uất mà đặc điểm tiêu biểu là tính tình hay gây sự, những biến động đột ngột về khí sắc vốn ít gắn với ngoại cảnh.

Trong thời gian hưng phấn, những con người đặc biệt đó làm chúng ta phải kinh ngạc bởi năng lực, bởi sự hoạt động không mệt mỏi, sự dồi dào của những ý tưởng và khả năng làm việc phi thường.

Phải chăng những kiệt tác đã ra đời trong thời gian đó? Tuy nhiên trạng thái ấy hoặc là dần dần tiêu tan đến mức bình thường, hoặc là chuyển sang trạng thái trầm uất thường dẫn tới sự tự sát. Hoặc dẫn tới việc thiêu hủy những tác phẩm của chính mình như trường hợp Gogol đã đốt tập hai “Những linh hồn chết”.

Ta hãy xem những tên tuổi nào nằm trong danh sách của những người mắc căn bệnh đó mà không hay biết gì: Byron, Dickens, Goethe, Baudelair, Flaubert, Schumann, Gogol, Van Gogh, Roosevelt, Churchil, Dostoevski, Hemingway…

Từ thời xa xưa người ta cũng chỉ ra một căn bệnh khác mà hầu như tất cả các vĩ nhân khác đều mắc phải - bệnh gút hay “cái bẫy chân” như nhà đại danh y của Hy Lạp cổ đại Hippocrate đã gọi. Trong danh sách các bệnh nhân tầm cỡ có tên các nhà triết học, các họa sĩ, các nhà nhà điêu khắc, các nhạc sĩ, các thi sĩ nổi tiếng như Montaigne, Kant, Schopenhauer, Goethe, Tjutev, Michelagelo. Rembrandt, Rubens, Rencir, Beethoven, Maupassant, Pushkin, Turgenev, Blok …Mãi đến giữa thế kỉ trước người ta mới xác lập được mối liên hệ giữa thiên tài và bệnh gút. Ở những người mắc bệnh gút, hàm lượng axit uric trong cơ thể tăng một cách đáng kể (hơn 200 lần); chính axit uric, như đã được các nhà khoa học làm rõ, xét về mặt cấu tạo, rất giống với cafein vốn kích thích hoạt động của não và sức làm việc của con người.

“Hộp phiếu” các thiên tài hầu như đã được nhất trí thừa nhận ở châu Âu và Bắc Mỹ, gồm cả thảy 400-500 tên tuổi trong suốt thời gian tồn tại của nền văn minh chúng ta.

Tuy vậy, cho dù các nhà di truyền học, y học, các nhà tâm lý học có cố gắng đến mấy để phân chia những con người xuất chúng theo khu vực thì họ cũng không thể giải quyết được điều chủ yếu: bí quyết của sự sáng tạo và điều bí ẩn của con người sẽ mãi mãi không bao giờ được làm sáng tỏ. Và có lẽ như vậy thì tốt hơn.

Theo Lê Sơn (Giáo dục và Thời đại)

Không có nhận xét nào: