Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

VN thắt lưng buộc bụng chống lạm phát

VN thắt lưng buộc bụng chống lạm phát

Ngoài việc tiết kiệm ngân sách 10%, Chính phủ muốn kiểm soát đầu tư vào các dự án công.

Một trong những phương cách giảm lạm phát tại Việt Nam là 'tiết kiệm' chi tiêu công khoảng 10% trong chín tháng còn lại của năm 2011.

Và giảm đầu tư cho các dự án công. Thậm chí sẽ chuyển bớt một số dự án của 2011 sang năm sau.

Về số tiền dự tính sẽ tiết kiệm, Chính phủ chưa đưa ra con số cụ thể, tuy nhiên lãnh đạo bộ tài chính nói 'khoảng trên 3000 tỷ đồng'.

Có vẻ như đây là cách để giảm độ nóng đến từ cơn sốt đầu tư lãng phí vào các doanh nghiệp nhà nước vốn liên tục được hưởng tín dụng rẻ từ chính phủ.

Mục đích chung là giảm lượng tiền lưu thông trong xã hội để kiềm chế lạm phát.

"Chính phủ đã nêu rõ tạm dừng trang bị mới ôtô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu," Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho báo Tuổi Trẻ hay.

Cũng theo ông Ninh, năm nay chính phủ sẽ không "bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách."

Ông cho rằng trong không khí "khẩn trương" chống lạm phát hiện giờ, các ngành, địa phương sẽ "không dám làm trái" với nghị quyết của Chính phủ.

Các bộ ngành được phép giữ lại số tiền họ tiết kiệm, Bộ Tài chính sẽ không thu về một đầu mối như năm 2008.

Tín dụng rẻ được đổ vào các doanh nghiệp nhà nước làm ăn lãng phí

Financial Times

Những nơi tiết kiệm không 'triệt để' sẽ có hình phạt, ví dụ Bộ Tài chính sẽ thu hồi tiền, ông Ninh nói.

Dự án công

Chuyện giảm đầu tư, đình hoãn hoặc ngưng một số dự án công sẽ được đẩy mạnh để xiết chặt chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Và việc này sẽ được làm một cách "quyết liệt."

"Chính phủ đã phân công bộ trưởng được quyết định đầu tư, chủ tịch UBND tỉnh được quyết định đầu tư, theo đó các dự án ban đầu đã bố trí rồi thì bây giờ phải cắt giảm."

Khi phóng viên hỏi về ngân sách xây dưng cơ bản dự kiến cắt giảm khoảng bao nhiêu, ông Ninh nói hiện chưa có con số. Và nói thêm, năm nay chính phủ sẽ không ứng vốn trước cho ngân sách năm 2012.

"Bản thân việc không ứng vốn chính là cắt giảm dự án. Ví dụ nếu cách làm như cũ thì có 10 dự án người ta cứ làm cả 10, thiếu tiền lại xin ứng vốn, nhưng bây giờ không cho ứng nữa, tự nhiên trong 10 dự án đó phải cân nhắc tính lại dừng cái nào, cắt cái nào," ông Ninh giải thích.

"Thông thường mọi năm làm không hết thì chuyển sang năm sau, nhưng nay cũng không cho chuyển nữa."

Và chính phủ không còn cấp vốn cho doanh nghiệp nhà nước nữa, ông Ninh nói. Doanh nghiệp muốn có tiền hoạt động, phải tự đi vay ngân hàng.

Điều Bộ trưởng Ninh không nói ra là làm sao hạn chế nạn cho vay bừa bãi với các doanh nghiệp nhà nước từ trước tới nay.

Báo Anh, tờ Financial Times vừa có bài nói một vấn đề nghiêm trọng của kinh tế Việt Nam là "tín dụng rẻ đổ vào các doanh nghiệp nhà nước làm ăn lãng phí".

Báo trích lời nhà kinh tế Sherman Chan từ ngân hàng HSBC cho rằng các lo ngại của Việt Nam hiện nay đa phần liên quan đến tác động của các chính sách từ các tập đoàn nhà nước.

Không có nhận xét nào: