Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

Hành trình vinh danh người anh hùng đồi A1

Hành trình vinh danh người anh hùng đồi A1

Xem tin gốc

Tamnhin.net - 15 giờ trước 51 lượt xem

Hanh trinh vinh danh nguoi anh hung doi A1

(Tamnhin.net) - Trong lịch sử đã có không ít sự nhầm lẫn từ những nhà chép sử đến nỗi nhà sử học Dương Trung Quốc đã có lần than thở: Sử nước ta là sử nhà “Tùy”! Nhưng cũng may mắn là còn có những người tâm huyết làm sáng tỏ sự thật lịch sử...để nhà nước vinh danh cho đúng người có công với nước.

Kì 1: Nguyễn Văn Bạch -người anh hùng sau 56 năm đã được vinh danh!

Ở tuổi tri thiên mệnh tôi được chứng kiến 2 sự kiện được trả lại tên: Một là những người lính trên chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 nhờ một nhà báo nước ngoài cung cấp một bức ảnh từ trong Dinh Độc Lập chụp ra. Còn bây giờ một người nông dân cùng quê với người anh hùng từng đào hầm ngầm, đặt và điểm hỏa khối bộc phá ngót ngàn cân nổ tung đồi A1 năm 1954 mà làm sáng tỏ được một sự thật: Ai là người có công lao đáng được phong anh hùng nhưng bị lãng quên! Sự im lặng của người anh hùng hơn 50 năm suýt nữa đã đem sự thật lịch sử xuống tuyền đài nếu không có những người không muốn chấp nhận lối sử nhà “Tùy”....

.

Đầu năm 2010 Ông Trần Văn Tạo người xã Thanh Trù cùng quê với cụ Nguyễn văn Bạch cho tôi hay: Anh sẽ là người viết bài báo thứ 101 về cụ Bạch và thật tiếc vì cụ đã thành người thiên cổ từ tháng 1/2008 nhưng bù lại công trạng của cụ đã được lịch sử đánh giá công bằng và ngày 23/2/2010 chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định số 212/QĐ/CTN truy tặng danh hiệu AHLLVTND sau 56 năm kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên chấn động địa cầu.

Cụ Nguyễn Văn Bạch sinh năm 1924 tại làng Vị Thanh, xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc - người có mặt suốt cuộc kháng chiến chống Pháp rồi tái ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau 1968 chuyển ngành rồi về hưu sống lặng lẽ ở một làng quê nghèo đến cuối đời. Ở làng Vị Thanh ít ai tin rằng ông già Bạch hay ốm yếu này lại là một nhân vật lịch sử của cuộc chiến tranh vệ quốc vì họ cho rằng nếu ông thật sự có công thì đã được vinh danh từ lâu! Còn ông thì không hề bận tâm vì chỉ coi đó là việc người lính cần phải làm khi được phân công. Ngày ấy ông có thể hy sinh nhưng ông đã trở về và còn đi tiếp thêm một chặng đường lịch sử.Với ông như vậy đã quá là hạnh phúc so với người đã hy sinh. Nhưng có một người tin và quyết tâm đi tìm sự thật lịch sử qua các nhân chứng lịch sử để trả lại sự công bằng vốn có sau khi được hội đồng thi đua khen thưởng của xã nhất trí cử đi xác minh tài liệu lập hồ sơ đề nghị (Nhân vật này tôi sẽ trở lại trong một bài viết sau)

Trong cuốn Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ toàn thư, phần niên biểu về sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ tính từ 10/9/1953 là khi Pháp xin Mỹ 385triệu USD để thực hiện kế hoạch Na-va đến 24h ngày7/5/1954 sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi có một sự kiện liên quan đến ông Nguyễn Văn Bạch là “ngày 6 tháng 5, 20h30 tiếng nổ của khối bộc phá 1000 kg đặt trong lòng đồi A1 là hiệu lệnh tiến công”.

Suốt mấy chục năm không ai nhắc đến ông mặc dù sau ngày chiến thắng nhờ thành tích điểm hỏa khối bộc phá ngàn cân thành công góp phần quyết định cho chiến thắng hoàn toàn 20h sau đó ông đã được tặng thưởng 2 huân chương chiến công do đại tướng Võ Nguyên Giáp ký với những dòng chữ vàng mà rất ít người nhận được: “ Để tưởng lệ công trạng với Tổ quốc!”

Trước năm 2004 hậu thế mỗi khi đến thăm chiến trường Điện Biên xưa đứng bên hố bộc phá 1000 cân trên đồi A1vẫn không thôi câu hỏi muốn biết ai là người điểm hỏa khối bộc phá này? người ấy còn sống hay đã chết, nếu còn sống thì bây giờ ở đâu? Hai người thủ trưởng của ông ngày ấy sau này là đại tá Nguyễn Phú Xuyên Khung và đại tá AHLLVT Lưu Viết Thoảng được phong anh hùng ngay sau sự kiện lịch sử này sau mấy chục năm sau vẫn nhớ rất rõ những gì xảy ra trước và trong cái đêm lịch sử 6-5-1954, khi ông Trần Văn Tạo - người sinh sau ông Bạch gần 20 năm - đã bỏ ra hơn 10 năm trời lặn lội đi tìm nhân chứng lịch sử để làm hồ sơ đề nghị ghi nhận công lao cho ông Bạch thì đã lên tiếng và xác nhận đầy đủ sự kiện này.

Đại tá Nguyễn Phú Xuyên Khung trú tại Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội viết: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ tôi là đại đội trưởng chỉ huy đánh khối bộc phá gần 1000kg trên đồi A1, ông Bạch là người được tôi phân công ở lại điểm hỏa”. Sau này trong một chương trình truyền hình ông còn nói rõ hơn: “Nếu Đ/c Bạch giật nụ xòe không nổ thì tôi giao đồng chí ấy ôm bộc phá 3kg điểm hỏa trực tiếp cho bằng nổ”.

Đại tá AHLLVT Lưu Viết Thoảng là tổ trưởng Đảng của đại đội A83 ngày ấy hiện trú tại Cảnh Thụy, Yên Dũng, Bắc Giang xác nhận: “Đồng chí Bạch là người điểm hỏa khối bộc phá đó” còn đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu thư ký riêng trực tiếp gặp cục chính sách làm thủ tục đề nghị phong tặng danh hiệu AHLLVT cho ông Bạch.

Những nhân chứng lịch sử hiện đang còn sống đã minh chứng cho những thông tin chưa chính xác về người điểm hỏa khối bộc phá ngàn cân năm xưa ở đồi A1 mà một vài tờ báo đã đưa tin trước đây. Một sự thật lịch sử khác cũng được làm rõ là để có được quả bộc phá gần ngàn cân, tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch ngày ấy đã phải cùng 3 chiến sỹ vượt qua làn đạn địch đến Bản Kéo nơi có chiếc máy bay B24 của Pháp bị bắn rơi để tháo 5 quả bom còn đeo trên càng máy bay để lấy được 460kg thuốc nổ bổ sung vào 500 kg thuốc nổ được cấp. Ông Sùng A Vang là chủ tịch UBND Tỉnh Lai Châu cho biết: “Nhiều người đến thăm Điện Biên vẫn hỏi người giật nụ xòe bộc phá giờ ở đâu, còn sống hay đã chết, chúng tôi đều không biết”

Từ sau dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên nhiều tác phẩm báo chí viết về ông- một nhân vật lịch sử lần lượt nối nhau ra đời như một sự “phát hiện”và tên ông Nguyễn Văn Bạch-người điểm hỏa khối bộc phá ngàn cân đã được ghi lại trên miệng hố bộc phá đồi A1 năm xưa cùng với 2 người thủ trưởng trực tiếp. Sau khi có đầy đủ các nhân chứng lịch sử xác nhận ngày 2/3/2000 hội đồng thi đua khen thưởng xã Thanh Trù, hội đồng thi đua khen thưởng thành phố Vĩnh Yên, hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Vĩnh Phúc đã lần lượt có văn bản đề nghị phong tặng danh hiệu AHLLVTcho ông Nguyễn văn Bạch về thành tích đặc biệt xuất sắc nói trên và quá trình chiến đấu từ 1949 đến 1977của ông.

Đến tháng 5/2009 sau khi ông Bạch qua đời hơn một năm việc lập hồ sơ đề nghị lại được khởi động một lần nữa...và đã có kết quả. Nhưng…quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVT cho ông Nguyễn Văn Bạch lẽ ra được thực hiện khi ông còn sống cuối cùng lại thành quyết định truy tặng AHLLVT vì ông đã không thể chờ đợi hơn được nữa. Một sự chậm trễ lẽ ra không đáng có. Đó là chưa nói đến việc quyết định truy tặng danh hiệu AHLLVT cho ông Nguyễn Văn Bạch của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký từ 23/2/2010 vẫn nằm trong tủ của phòng tuyên huấn Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc. Vinh quang dành cho người anh hùng sau 56 năm lại thêm một lần chờ đợi.

Rời làng Vị Thanh xã Thanh Trù quê ông trong những ngày nắng nóng để về thành phố tôi có một nguyện ước là con đường từ quốc lộ II vào xã Thanh Trù sẽ được mang tên ông, một ngôi trường mang tên ông thay cho lời tri âm của lớp hậu sinh với ngưòi anh hùng đã để lại dấu ấn lịch sử mà phải 56 năm mới được làm sáng tỏ và vinh danh. Chỉ riêng sự im lặng của ông suốt hơn nửa thế kỷ qua cũng đã đủ nói lên phẩm chất của một người anh hùng.

Và bây giờ ở chốn cao xanh hẳn ông sẽ ngậm cười vì ông tin không ai có thể viết lại lịch sử. Rồi đây bạn bè trong nước và nước ngoài thêm một lần nữa biết đến thành phố Vĩnh Yên anh hùng- nơi đã sản sinh ra người anh hùng Nguyễn Băn Bạch với sự tích anh hùng trong biên niên sử của cuộc chiến tranh vệ quốc

(Còn tiếp)

Thuận Thành

Không có nhận xét nào: