Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Tân Tổng Bí thư: “Tôi làm không phải để đánh bóng”

Tân Tổng Bí thư: “Tôi làm không phải để đánh bóng”
- Ra mắt báo giới trong nước và quốc tế ngay sau lễ bế mạc Đại hội Đảng XI sáng nay (19/1), Tổng Bí thư mới đắc cử, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Tôi làm cái gì không nghĩ vì mục đích tạo dấu ấn, đánh bóng, cốt tỏ ra ta thế nào. Làm cho tốt nghị quyết Đại hội Đảng lần này là tốt rồi".

Tân TBT: Kiên định độc lập tự chủ, phát huy dân chủ

Tân Tổng Bí thư cho biết những ưu tiên trong nhiệm kỳ tới là công tác xây dựng Đảng, vấn đề được Đại hội và dư luận xã hội rất quan tâm thời gian qua cũng như chăm lo khối đại đoàn kết dân tộc. Nhà lý luận của Đảng ví von "một bài học quan trọng là một cây làm chẳng nên non".
Tống Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cần đẩy mạnh hình thức chất vấn trong Đảng. Ảnh: Hoàng Long
Ông cũng cam kết "đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới chủ động và hội nhập quốc tế toàn diện, tạo nền tảng phát triển cho đất nước trong 10 năm tới với 3 mũi đột phá về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và chất lượng thể chế".

Xây dựng quy chế để triển khai chất vấn trong Đảng

Trả lời câu hỏi của VietNamNet: "Nhiều đại biểu kiến nghị sau Đại hội lần này cần có cơ chế triển khai rộng rãi chất vấn trong Đảng. Với kinh nghiệm điều hành các phiên chất vấn Quốc hội sôi động và hiệu quả vừa qua, Tổng Bí thư sẽ có những giải pháp gì để chất vấn trong Đảng có chất lượng? Tổng Bí thư có sẵn sàng trả lời chất vấn của các đảng viên hay không?".

Ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng "Chất vấn là một trong những hình thức đảm bảo dân chủ. Trong Ban chấp hành có chủ trương thực hiện chất vấn tại các kỳ họp trung ương. Thực tế, nếu có vấn đề gì hoặc ai có nhu cầu chất vấn thì cứ nêu ra".

Tân Tổng Bí thư cũng thừa nhận "vừa qua chất vấn trong Đảng hơi ít". Chủ tịch Quốc hội khóa XI giải thích, chất vấn Quốc hội sôi động vì đụng đến những vấn đề quốc kế dân sinh, hang ngày, nóng bỏng, bức xúc trong khi họp Trung ương chủ yếu bàn chủ trương, quyết sách chiến lược. "Để hỏi ra được những vấn đề như vậy không dễ dàng".

Mặc dù vậy, ông Trọng tin rằng "theo sự phát triển chung, cần đẩy mạnh hình thức chất vấn. Vấn đề là xây dựng quy chế như thế nào để triển khai hiệu quả. Tôi vẫn nói ở Quốc hội rằng chất vấn có tác dụng rất tốt bởi nó tạo điều kiện để mọi người cùng nhau trao đi đổi lại, gợi cho nhau những suy nghĩ, tranh luận, từ đó tìm ra giải pháp".

"Bầu nhân sự không phải dân chủ trình diễn"

Nhận định về kết quả Đại hội XI, Tổng Bí thư cho rằng, Đại hội XI đã tạo ra được không khí dân chủ, thẳng thắn trong thảo luận các dự thảo văn kiện và bầu chọn nhân sự lãnh đạo.

Ông Nguyễn Phú Trọng dẫn chứng, những nội dung cơ bản của những văn kiện lớn, khó như dự thảo cương lĩnh, báo cáo chính trị, ra đến đại hội còn tranh luận, phút cuối vẫn còn ý kiến khác nhau.

(Trong dự thảo Cương lĩnh nói về đặc trưng "có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất" đã gây nhiều tranh luận tại Đại hội. Một số đại biểu như Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, Đảng vẫn xác định quan hệ đa sở hữu, có công, có tư. Vậy bây giờ chỉ nói "công hữu tư liệu sản xuất" thì ai yên tâm đầu tư cho chúng ta? Cuối cùng, 65,04% đại biểu đồng ý sửa đặc trưng chủ nghĩa xã hội thành có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp”, khác với dự thảo ban đầu - PV).

Về bầu chọn nhân sự, Tổng Bí thư cho biết, từng tham gia 5 kỳ đại hội, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến số dư bầu chọn Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều như lần này, vượt qua quy định 15%. Ông dẫn ra con số chứng minh: số dư bầu Ban chấp hành TƯ là 24,4%, ủy viên dự khuyết là 144%. Ngay bầu Bộ Chính trị chiều qua, số dư yêu cầu là 15-20% nhưng thực tế là 70%.

Mặc dù số dư lớn như vậy, nhưng Đại hội chỉ bầu một lần là xong, ông Trọng cho biết. "Đáng tiếc, có rất nhiều người quá bán nhưng không trúng. Người thấp nhất trúng cử đạt 67%".

"Nói như vậy để thấy, qua thảo luận lắng nghe tiếp thu, kết quả bầu cử rất là tốt", Tổng Bí thư khẳng định.

Trước câu hỏi "tuy công tác nhân sự đã thảo luận rất dân chủ nhưng kết quả hầu hết đại biểu trúng cử do TƯ chuẩn bị. Những người được bầu cử bổ sung có đôi chút suy nghĩ vì cơ hội của họ không nhiều. Tổng Bí thư nói thế nào để giải tỏa tâm tư này?", ông Nguyễn Phú Trọng giải thích: Danh sách TƯ chuẩn bị là quá trình công phu từ dưới lên, qua nhiều vòng giới thiệu, thẩm tra đánh giá toàn diện. Còn những người được giới thiệu tại đại hội, nhiều đại biểu khác chưa biết rõ, nên không đủ thông tin để bỏ phiếu.

"Lâu nay có nói vui, ta giới thiệu để cho có quân xanh quân đỏ.Thưa các bạn không phải thế, có trường hợp ở Đại hội mới giới thiệu vào vẫn trúng. Nhưng ngược lại, có trường hợp, Trung ương giới thiệu, nhưng ra Đại hội giới thiệu không bầu. Có 7 trường hợp Trung ương giới thiệu nhưng ra Đại hội vẫn không trúng cử dù số phiếu quá bán. Đảng vẫn khuyến khích tự ứng cử và giới thiệu".

Tổng Bí thư cho rằng điều quan trọng là từ Đại hội đã tỏa ra niềm tin mới và sự đoàn kết đồng thuận thực chất sau khi đã thảo luận, tranh luận một cách dân chủ. Ông nhấn mạnh, đây là dân chủ thực chất chứ không phải là "trình diễn với nhau cho có dân chủ".

Thảo Lam - Hạ Anh


Không có nhận xét nào: