Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận: Người mở đường cho âm nhạc cách mạng Việt Nam

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận: Người mở đường cho âm nhạc cách mạng Việt Nam (19/01/2011)
Trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhiều ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận như: “Việt Nam quê hương tôi”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”... lại được vang lên. Gần 60 năm sáng tác, Đỗ Nhuận đã để lại cho đời nhiều ca khúc “cho muôn đời sau”. Bởi lẽ giản đơn, Đỗ Nhuận không chỉ là một người nhạc sĩ mà ông còn là một người lính - một người chiến sĩ cộng sản...
Quê nhạc sĩ Đỗ Nhuận ở Hải Dương. Ông được sinh ra vào một tháng nhuận năm 1922, nên cha đặt tên là Đỗ Nhuận. Từ thuở nhỏ, Đỗ Nhuận đã theo cha tới sinh sống ở thành phố cảng Hải Phòng - nơi cha ông làm “lính kèn Tây” trong đội quân nhạc. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng tâm sự “hành trình” đến với âm nhạc của ông: “Những âm thanh mà tôi được tiếp cận là tiếng còi máy tơ, máy xi măng, còi tàu khi cập bến và rời cảng, những tiếng kèn đồng, tiếng trống ngũ liên mỗi khi làng có hội và tiếng hát xẩm của những người hành khất. Chính những âm thanh đời thường ấy đã thấm sâu vào tâm hồn, tạo cho tôi phong cách trong sáng tác”... Đến với âm nhạc khi chưa qua một trường lớp nào... để rồi tên tuổi Đỗ Nhuận đã ghi dấu như là cánh chim đầu đàn của làng nhạc cách mạng Việt Nam.

Đỗ Nhuận không chỉ là một nhạc sĩ sáng tác mà ông còn là một chiến sĩ cộng sản. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đỗ Nhuận đã từng chịu cảnh lao tù, chịu đòn roi tra tấn của kẻ thù. Trong thời gian bị giam ở tù, Đỗ Nhuận đã viết nhiều ca khúc cách mạng như: Chiều tù, Côn Đảo, Hận Sơn La, Tiếng gọi tù nhân... Ngay từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp khi ngọn lửa cách mạng âm ỉ cháy và ngày càng sục sôi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã hòa tiếng lòng của mình với những người chiến sĩ cách mạng, với những người quyết sống chết vì nhân dân. Ngọn lửa cách mạng ấy đã hun đúc trái tim, khối óc của Đỗ Nhuận để biến thành những dòng âm thanh hùng vĩ có sức cộng hưởng mạnh mẽ... Sau khi được trả tự do, Đỗ Nhuận tiếp tục dùng âm nhạc làm vũ khí chiến đấu chống lại kẻ thù. Những ca khúc ông viết thời ấy (Nhớ chiến khu, Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên, Tình Việt Bắc, Lửa rừng, Tiếng hát đầu quân, Áo mùa đông, Du kích sông Thao...), như “liều thuốc bổ” giúp những người lính cụ Hồ vững tin chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc với tinh thần “đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”... Có thể thấy, chính hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đã tôi luyện nơi Đỗ Nhuận ý chí kiên cường của một người lính - một người chiến sĩ cộng sản. Để rồi những sáng tác của ông với lời ca sâu sắc, nét nhạc hùng tráng đã cổ vũ động viên quân dân Việt Nam chiến đấu ngoan cường chống lại kẻ thù xâm lược và giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Là nhạc sĩ duy nhất trong thế hệ đầu của tân nhạc được đào tạo bài bản tại Nhạc viện Tchaikovsky, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sớm tiếp cận với nền âm nhạc thế giới. Và ông đã sáng tác được những vở nhạc kịch có tính quốc tế như: “Cô Sao”, “Người tạc tượng”... Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã từng là nơi Đỗ Nhuận gắn bó với vị trí Tổng thư ký. Trong tư cách là người đứng đầu một Hội nghề nghiệp, Đỗ Nhuận đã luôn khuyến khích các nhạc sĩ trẻ đi theo con đường âm nhạc chân chính. Tại trụ sở của Hội Nhạc sĩ Việt Nam hiện nay, vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật gắn với ông... Với những cống hiến của mình cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được nhận nhiều Huân chương cao quý, đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã đi xa, nhưng những tác phẩm mà ông để lại như: Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Trông cây lại nhớ đến Người, Mở đường Trường Sơn, Nhớ chiến khu, Đoàn Lữ Nhạc, Du kích ca, Hành quân xa, Chiến thắng Điện Biên, Việt Nam quê hương tôi... vẫn còn mãi để nhắc nhở thế hệ sau về một người nhạc sĩ đã đặt nền móng cho âm nhạc Việt Nam.
Minh Hiếu

Không có nhận xét nào: